Thật thú vị! Lần đầu tiên trong đời, người viết hân hoan tận hưởng cái mùi vị thoang thoảng của nước mắm nhỉ hồn nhiên “sánh vai” cùng chất béo bùi nơi khối sữa tươi quyện với lớp gan và thịt heo. Món pa-tê thịt kho tàu.
Cứ ngỡ rằng, giống heo siêu nạc ngoại lai đã chiếm thế thượng phong heo ta từ năm nảo năm nao. Nào ngờ, những miếng thịt ba rọi giòn, ngọt, thanh tao - thời trân một thuở - hiên ngang “ngự” trong một nhà hàng sang trọng, giữa trung tâm TP.HCM.
“Ba rọi heo cỏ chạy về Sài Gòn thường xuyên! Thiệt hay giỡn mậy?”, một đàn anh ở quận 5, hỏi gặng mà mắt sáng rỡ.
- Thề luôn! Đang mùa mưa bão, đánh cá mới vui. Vậy là: - Chơi liền! Kèo: một ăn ba mươi nghe!
Đến nơi, đã nghe âm điệu du dương của tiếng kèn saxophone với đàn violin đón chào, khi thành phố lên đèn.
“…Về đây hôm nao nghe đời thôi thương đau, mong ngày sau rừng xanh thắm màu. Khói sáng vương đồi núi lan trong chiều sương. Thấp thoáng trong làn khói, bóng ai dừng chân, thắm thiết câu mộng mơ…”. Anh nhạc công lạ đang nhắm mắt, phồng má, mười ngón tay khi lắc lư, lúc nhún nhảy trên mình chiếc kèn saxophone quen thuộc. Nơi miệng loa kèn, tuôn ra những thanh âm trong trẻo, nhấp nhô pha chút đượm buồn trong bài Chiều lên bản thượng, của nhạc sĩ Lê Dinh, tại sảnh giữa trong Hàng Dương Quán Quận 1 (số 32 - 34 Ngô Đức Kế, P.Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Độc đáo pa tê nước mắm!
Ôi! Những ca từ chân chất, tỉ tê như rót mật vào lòng khán thính giả. Khiến không ít người, nghe hoài vẫn không chán. Cũng như, đỉnh cao ẩm thực Việt là các món mộc, thật nghèo nàn “son phấn” (gia vị). Song, một khi dân sành ăn lỡ nếm qua là ghiền tới… chết! Chúng khác nào những viên ngọc trầm lặng. Và công việc chính của ông Lý Nhất Hiếu, chủ nhà hàng, là lặn lội đi mời gọi những chủ sở hữu sáng giá kia vui vẻ hợp tác.
Gặp chị bạn vừa đi du lịch Pháp về, đồng thời cũng là dân “đạo” pa-tê. Tôi liền níu áo học hỏi: “Chị ăn pa-tê thịt ba rọi kho tàu chưa?”. “Ở đâu mà lạ vậy! Nước con gà cồ (Pháp) không có à nghe!”, chị đáp với nụ cười ngụ ý.
Cũng như thuở trước, người Pháp từng phổ biến chiếc bánh mì sang nước ta. Và rồi, cũng chính họ cùng cả thế giới trầm trồ ổ bánh mì kẹp thịt nướng chen nhúm màu: trắng tươi (củ cải chua bào sợi), đỏ (ớt lát), vàng (dưa cà rốt). Rồi thêm xanh mát (dưa leo xắt lát, rau cần). Bánh mì kẹp thịt Made in Viet Nam quá đỗi bắt mắt và giỏi “chiêu dụ” dịch vị thực khách.
Thoảng hương mắm Việt - gây mùi nhớ nơi khối pa tê kho tàu!
Vẫn không độc đáo tột cùng như sản phẩm này! Điều thú vị đến sửng sốt là, mùi vị thoang thoảng của nước mắm hồn nhiên sánh vai cùng chất béo bùi nơi khối sữa tươi cùng gan + thịt heo thật mịn màng.
Gặp dân cao thủ mắm đi cùng, họ còn đoán định ra, đó là cuộc “se duyên” mượt mà giữa một loại mắm ruốc hoặc mắm tôm với mấy giọt nước mắm nhỉ - có thể gốc Cát Hải (Hải Phòng). Dường như, người chế ra món này cố tình tạo một dấu vân tay Việt - không lẫn vào đâu được!
Song hành, còn có những tảng mỡ kho tàu béo ngọt, trắng ngà, mềm rịu mà không gây ớn ngán chung vai hợp tấu.
Loại pa-tê độc đáo này, nếu trữ trong tủ đông chuyên dụng hoặc nơi ngăn mát tủ lạnh gia đình đến độ kết dính mà vẫn còn mềm dẻo - tựa như khối thịt nấu đông. Rồi bạn khéo tay cắt thành khoanh, sẽ có một tác phẩm pa-tê nạm ngọc, sang cả không hề kém tảng bò vân đá của Nhật Bản!
Một hầm vang sang trọng mà ấm cúng ở Hàng Dương Quán Quận 1
Cặp với lát bánh mì nóng giòn, phảng phất mùi bơ. Cắn tiếp, miếng dưa leo non giòn rào rạo, lát cà rốt sần sật. Sao mà hài hòa đến lạ kỳ!
Tàn tiệc, vài người bạn sành ăn còn nải nỉ chủ quán, chia lại cho mấy phần mang về làm quà biếu người thân.
Riêng chị bạn có đạo ngồ ngộ vừa kể, rất thích khều từng cục nhỏ pa-tê vương mùi mắm quyến rũ ấy, nhẩn nha tận hưởng, rồi say sưa “đưa” cơm trắng.
Nếu nói, trầm hương là nhạc trưởng trong dàn đồng ca mùi thơm, nơi những giọt nước hoa Coco Chanel quý phái thì uy lực khuyến dụ của mùi vị nước mắm truyền thống cũng không hề kém cạnh - trong sản phẩm cực kỳ độc đáo: pa-tê thịt kho tàu.
Bài và ảnh: Trầm Nguyên
(Theo Người Đô Thị)