Hành trình vẽ nên bản đồ ẩm thực Việt qua việc tìm kiếm, giới thiệu những món ăn dân dã truyền thống ngon - lành, những đầu bếp tài nghệ và những nhà hàng xuất sắc nhất mang tên Chiếc thìa vàng năm 2015 đã chính thức khởi động.
Bước vào tuổi lên ba, Chiếc thìa vàng đang vươn tới sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu: tổ chức cuộc thi, nội dung, hình thức nhận diện đến truyền thông. Tất cả cho mục tiêu: ẩm thực Việt trở thành thương hiệu quốc gia, là lựa chọn của du khách quốc tế….
Chiếc thìa vàng 2015 sẽ tổ chức thi tập trung tại sáu địa điểm, ở các vùng miền tiêu
biểu của đất nước. Cuộc thi đặt ra yêu cầu món dự thi phải đạt chuẩn, mang tính phát hiện những đặc
sản và gia vị đặc trưng vùng miền, đầu bếp có kiến thức dinh dưỡng, chuyên nghiệp trong chế biến
món ăn, biết chọn lựa thực đơn và đặc biệt là hoàn hảo trong nghệ thuật trình bày món ăn, bàn
tiệc…
Chung kết Chiếc thìa vàng 2014 (Ảnh: Quang
Linh)
1. Ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long I, người ấp ủ ý tưởng
và khởi xướng cuộc thi Chiếc thìa vàng với hai mùa thi 2013 - 2014, từng thưởng thức món
ăn của những đầu bếp giỏi nhất Việt Nam, ấn tượng của ông là những khám phá về món ăn mới, những
đặc sản độc đáo, những gia vị lạ lẫm của các vùng miền.
Những nguyên liệu rất đỗi thân quen, là mớ
rau đồng nội, con cá, cọng hành, hạt tiêu, những sản vật hoàn toàn thiên nhiên… qua bàn tay tài hoa
của đầu bếp tạo món ngọn đặc sắc mà vẫn giữ được sự cân bằng ngon - lành vốn tồn tại trong bữa ăn
gia đình Việt từ ngàn xưa.
Những giá trị đó được các nghệ nhân ẩm thực dân gian chắt chiu, gìn giữ
để cho các đầu bếp trẻ có cơ hội khai phá, biến tấu cho bàn tiệc hiện đại ngày nay. Để tiếp sức cho
những món ngon Việt Nam ấy, ông đã cùng ê kíp chuyên gia ẩm thực, kể cả food stylist của mình dày
công tuyển chọn, chụp ảnh thành sách ẩm thực: "Chiếc thìa vàng - Tinh hoa ẩm thực Việt" giới
thiệu món ngon và cách chế biến đơn giản. Hiếm có cuốn sách ẩm thực nào kỳ công đến vậy, ra mắt
đồng thời với hành trình Chiếc thìa vàng 2015.
Cuộc thi mùa thứ ba sẽ thực hiện chương trình giao lưu ẩm thực giữa các nhà văn hóa, các doanh
nhân, các nhà quản lý nhà hàng khách sạn trong khu vực... Khách mời được thưởng thức thực đơn đặc
sắc từ các món ăn do các đầu bếp đoạt giải Chiếc thìa vàng 2013 - 2014 tuyển chọn, chế
biến, phục vụ. Thực khách vừa được thưởng thức món ngon đồng thời sau đó, có thể tự mình chế biến
món ăn thích hợp theo công thức hướng dẫn từ sách.
"Người
Thái đã quốc tế hóa không chỉ món ăn của họ mà ngay cả lá chanh cũng
mang đi khắp năm châu, trong khi ẩm thực Việt Nam vốn phong phú, gia vị
rất đặc trưng lại chỉ quanh quẩn sân nhà.
Kỳ vọng Chiếc thìa vàng sẽ làm cho khách quốc tế, đến một lúc nào đó, sẽ gọi được bằng tiếng Việt món ngon quê nhà" - ông Lý Huy Sáng.
|
|
Mùa thi năm nay cũng sẽ chứng kiến việc xúc tiến thành lập "
Câu lạc bộ đầu bếp Chiếc thìa
vàng". Đó là nơi kết nối những đầu bếp từng đoạt giải trong các mùa thi lại thành đội ngũ
chuyên gia ẩm thực uy tín. Câu lạc bộ sẽ liên kết với cơ quan ngoại giao đoàn, các sứ quán hay các
cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể trong những dịp đãi khách VIP. Từ trải nghiệm đó, họ sẽ có
những đánh giá, bắc tiếp những nhịp cầu để món ngon Việt Nam, như cách ví von của nghệ nhân ẩm thực
Bùi Thị Sương là "ngọc trong đá" được tỏa sáng.
Không chỉ vậy, tại mỗi điểm dự thi, một số du khách quốc tế sẽ được mời vào vai giám khảo cộng
đồng, cùng thưởng thức những món ăn dự thi của các đầu bếp và đưa ra những đánh giá về nguyên liệu,
khẩu vị…
Theo ông Sáng, một người khách nước ngoài yêu thích một món ăn dù đó là món ngon tại nhà
hàng sang trọng hay một tiệm phở đậm đà hương vị Việt trong con hẻm nhỏ đều có thể giữ chân, níu họ
quay trở lại. Món ngon Việt Nam thay vì chỉ quẩn quanh trong một phạm vi hẹp của địa phương, sẽ
theo chân các du khách quốc tế như một cách tiếp thị phương xa cho ẩm thực Việt. Để trong một tương
lai gần, ngoài phở, chả giò, gỏi cuốn, sẽ có thêm những món Việt xuất hiện trong bảng xếp hạng món
ngon của châu Á và thế giới.
2. Con đường gia vị Việt là điểm nhấn của cuộc thi năm nay. Ai cũng biết,
nguyên liệu giống nhau nhưng món ăn có khẩu vị khác nhau là do sự hòa trộn của gia vị. Có thể gọi
gia vị là linh hồn của món ăn. Những đầu bếp dùng nguyên liệu, gia vị thông thường nhưng khéo kết
hợp có thể cho ra món ăn ngon đặc biệt. Điều đó thể hiện sự hiểu biết rộng, tinh tế và sáng tạo của
người đầu bếp.
Sách "Chiếc thìa vàng - tinh hoa ẩm thực Việt" sẽ chính thức
phát hành rộng rãi trên cả nước từ tháng 6/20015
Ông Lý Huy Sáng kể, ở những siêu thị lớn trên thế giới, nơi ông từng có dịp ghé qua, thay vì chỉ
bày bán những loại gia vị bản xứ thì nay xuất hiện ngày càng nhiều món ăn cùng gia vị Á Đông. Sự
giao thoa ẩm thực đó khiến ông trăn trở.
Cùng tâm trạng với ông Lý Huy Sáng, chuyên gia sưu tầm,
nghiên cứu gia vị ở Việt Nam, ông Chiêm Thành Long cho rằng: "Chúng ta quen sử dụng gia vị tươi,
chưa tính toán việc sơ chế hoặc tinh chế, làm tăng giá trị thương mại của nguyên liệu, gia vị.
Nhiều loại gia vị đặc biệt ở địa phương chưa phát huy hết giá trị nhưng khi được các đầu bếp giỏi
TP.HCM sử dụng lại sáng tạo ra những món ăn mới độc đáo, ngon - lành hơn. Vì vậy, câu chuyện khám
phá và cách dùng gia vị của thí sinh sẽ được chú ý. Từ đó, chúng ta sẽ tìm nguồn gốc, công thức,
cách chế biến, bảo quản... Vẽ được bản đồ gia vị Việt Nam đồng nghĩa với việc tìm ra con đường giao
thoa văn hóa ẩm thực, phát triển nền ẩm thực chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường
quốc tế".
3. Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương cho rằng: "Sau hai năm theo dõi cuộc thi
Chiếc thìa vàng, điểm mạnh của các đầu bếp là giới thiệu và chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng
hạn chế chung là trình bày món ăn chưa được chăm chút, chưa bắt mắt. Phải làm sao tăng tính tiện
dụng và trình bày hiện đại, phù hợp với xu hướng "ăn bằng mắt" của thực khách.
Chẳng hạn một dĩa cá
để nguyên xương, tôm còn nguyên đầu, một đĩa cua hay ghẹ để nguyên con, về mặt dân dã thì được
nhưng khi phục vụ khách nước ngoài thì không đạt về tính mỹ thuật và tiện dụng. Đó là chưa nói đến
sự an toàn, khách có thể bị hóc xương khi ăn… Khi quốc tế hóa cần làm cho món ăn trở nên tiện dụng,
tăng tính thẩm mỹ. Chén nước dùng có thể chế biến thành dạng sốt, trang trí ngay trên dĩa thức ăn
có màu sắc hài hòa. Điều đó phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp, óc sáng tạo và gu thẩm mỹ của người đầu
bếp. Nghệ thuật trình bày sẽ làm cho món ăn truyền thống Việt Nam thăng hoa".
Đầu tháng 6/2015, Chiếc thìa vàng mùa thứ ba sẽ chính thức
khởi động. Tuổi lên ba của một cuộc thi đã vượt qua khuôn khổ của một sân chơi dành cho các đầu bếp
cả nước. Đây là hành trình gian khó, đòi hỏi sự chuyên nghiệp ngày càng cao và những hành động
thiết thực nhất để biến món ngon dân dã truyền thống trong ẩm thực Việt vốn phong phú, đa dạng
thành thương hiệu du lịch - ẩm thực quốc gia; để món ngon Việt Nam được đặt trang trọng trên bàn ăn
quốc tế.
Lần thứ
nhất được tổ chức vào tháng 10/2013, Chiếc thìa vàng với chủ đề "Hương vị
quê nhà" đã thu hút 312 đầu bếp của 104 đội tham dự và đã giới thiệu hơn
400 món ăn.
Năm
2014, cuộc thi có nhiều đổi mới với chủ đề "Hương vị quê nhà thời hội nhập",
quy mô mở rộng với 140 đội tham dự, giới thiệu trên 560 món ăn. Ngoài ra,
"Ngày hội Hương vị quê nhà" được tổ chức, thu hút 77 nhà hàng, quán
ăn và giới thiệu 120 món gia truyền, đặc sản địa phương.
Năm
2015, dự kiến có 180 đội với 540 đầu bếp trẻ cả nước dự thi.
|
Theo Nguyên Trang
Người đô thị/Ảnh:Quang Linh