Đầu bếp Phạm Văn Đại đội Khách sạn Palace Vũng Tàu chia sẻ về lá thùn mũn - một loại lá dân dã có vị chua thanh, giúp kích thích vị giác. Ảnh: L.Thoa
Ngạc nhiên trước các loại nguyên liệu, gia vị cũng như ấn tượng với sự sáng tạo của các đầu bếp đội Khu du lịch Bình Quới 1 (TP.HCM), Giám khảo - NSƯT Kim Xuân đã thốt lên: “Nếu không có các bạn giới thiệu tôi tưởng đó là một loại cỏ dại. Điều đó chứng tỏ những loại cây lá ăn được của Việt Nam rất phong phú. Nếu không có cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, tôi không biết được rằng những loại cây cỏ hoang dại cũng là gia vị độc đáo”.
Rau trúc linh. Ảnh: L.Thoa
Loại
“cỏ dại” đội Khu du lịch Bình Quới 1 khai thác và trình làng đã khiến
NSƯT Kim Xuân cảm thấy bất ngờ, đó chính là rau trúc linh, vốn là cây
mọc hoang ở vùng biển Phú Yên. Các đầu bếp đã có sự kết hợp sáng tạo rau
trúc linh với tiêu rừng Kon Tum và bắp bê Tây Ninh để tạo nên món khai
vị tuyệt vời.
Đầu bếp Lê Võ Anh Duy và Lê Thị Ví dùng các loại lá gia vị trang trí món rau trúc linh cuốn bắp hoa bê kèm xốt tiêu rừng - Chả cua gan ngỗng kèm nước mắm chanh muối. Ảnh: L.Thoa
Một bất ngờ thú vị khác đến từ đầu bếp Hoàng Anh Tuấn Vũ (đội Công ty TNHH Tâm Tâm) với nguyên liệu là trái mề gà - một loại cây trái có nhiều ở vùng rừng núi Lâm Đồng, ven suối vùng Tây Bắc. Loại trái này có thể ăn sống được, có hương thơm và vị chua ngọt nhẹ tự nhiên. Đội đã khai thác vị chua ngọt, chát nhẹ của trái mề gà thành loại xốt rất lạ ăn chung với cá chép giòn, vừa có tác dụng khử vị tanh vừa tạo đậm đà cho món ăn, thật độc đáo.
Trái mề gà. Ảnh: Lê Thoa
Trái
sổ cũng là một loại trái dại, rất lạ, có ở vùng Tây Bắc, Lâm Đồng được
đầu bếp Tuấn Vũ mang đến cuộc thi, gây tò mò cho giám khảo và quan
khách. Ảnh: L.Thoa
Đến từ vùng cao nguyên, đội trưởng Nguyễn Đức Hoàng (Đội quán 79 Gia Bảo, Kon Tum) đã mang đến cuộc thi nhiều loại gia vị đậm chất Tây nguyên, nổi bật là trái muối rừng - một loại gia vị độc đáo được đồng bào dân tộc ưa dùng. Cây muối rừng mọc nhiều tại khu bảo tồn Chư Moray, tỉnh Kon Tum là loại cây thân gỗ, cao. Hoa muối rừng mọc thành từng chùm màu trắng, kết thành những trái nhỏ màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu đỏ, nâu sậm, có vị mặn và chua thanh, đồng bào dùng trái này để tẩm ướp thịt trâu, thịt gia súc.
Đầu bếp Đức Hoàng đã dùng trái muối rừng giã nhuyễn, ướp thịt, vị mằn mặn, chua chua nhẹ hòa quyện vào thịt ăn kèm với bún, được trang trí cùng cành trái muối màu đỏ tươi khiến món ăn vừa mặn mà vừa tươi tắn, gây ấn tượng mạnh cho các giám khảo.
Đầu bếp Đức Hoàng giới thiệu những loại gia vị Tây Nguyên. Ảnh: L.Thoa
Như ý kiến của giám khảo chuyên môn - Nhà giáo Ưu tú Triệu Thị Chơi, có rất nhiều loại gia vị nguyên liệu quen mà lạ thì những hoa khế, hoa cúc, hoa trang, hoa tigon... là vậy. Vị đắng, chát, cay nồng... từ các loại hoa này là nguyên liệu để các thí sinh chế biến nên nước xốt rất độc đáo, làm mới và biến hóa món ăn thêm lạ, thêm hấp dẫn. Các thí sinh còn khiến các giám khảo, quan khách có mặt tại cuộc thi bất ngờ thích thú với nguyên liệu… tái chế. Hạt đu đủ, hạt sầu riêng cũng được các đầu bếp chế biến thành nước xốt, làm gia vị cho món ăn lạ hơn, độc đáo hơn.
Vòng bán kết phía nam cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 khép lại với dư âm mùi vị lạ từ cỏ cây hoang dại, từ những loại hoa, lá quen thuộc, cho thấy sự giàu có của gia vị, ẩm thực Việt Nam.
Theo Thanh Niên