Câu chuyện chiếc bánh gio Tết Đoan Ngọ

Thứ ba, 30/05/2017 09:03
0
0
Một thứ bánh dân dã, chỉ với gạo nếp và vài loại cây cỏ, nhưng cũng đủ làm nên món ăn đắc sắc và mang đậm hương vị dân tộc.

Theo quan niệm của người xưa, vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta hay ăn mận, vải, dưa hấu, rượu nếp..., thường là ăn vào buổi sáng sớm để diệt trừ sâu bọ, giun sán trong người. Truyền thống đó đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và kéo dài cho đến tận bây giờ. Trong đó, có một thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cũng như trong các món ăn để diệt sâu bọ, đó chính là bánh gio.

Tích xưa truyền lại rằng, vào thời chiến quốc, ở nước Sở có một người thầy thuốc tên là Khuất Nguyên. Tuy là trung thần nhưng lại không được nhà vua trọng dụng, ông đã trầm mình xuống sông Mạch La tự vẫn. Ngày hôm đó rơi đúng vào 5/5 âm lịch nên từ đó, cứ vào ngày này, người dân lại làm bánh gio để tưởng nhớ.

Qua mấy trăm năm, đến bây giờ, có khi còn chẳng mấy người nhớ đến câu chuyện này, nhưng làm và ăn bánh gio vào ngày Tết Đoan Ngọ đã trở thành tục lệ chẳng thể bỏ.


Bánh gio (hay còn gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh nẳng) được làm từ gạo nếp ngâm trong nước lá tro, gói vào lá rồi mang luộc. Sở dĩ gọi là bánh gio vì bánh được làm từ gạo ngâm trong nước gio.

Nghe thì có vẻ đơn giản, ấy thế mà muốn làm nên thứ bánh vàng óng, trong suốt như hổ phách này không hề đơn giản chút nào.

Bánh gio - thứ bánh cầu kì từ trong cách làm

Làm bánh gio, theo cái cách mà các bà các mẹ truyền dạy, đó cũng là một cách "học gói, học mở". Chỉ là gạo ngâm, gói vào rồi mang luộc thôi, có gì mà công phu thế? Thế nhưng, không cầu kì, không khéo léo thì chẳng thể nào làm nên một mẻ bánh ngon được.

Muốn bánh ngon, ngay từ khâu chọn gạo cũng phải thật tỉ mỉ. Gạo được lựa chọn phải là những hạt gạo mẩy nhất, thơm nhất, đều hạt. Mùa này, nhiều nơi đã có gạo nếp mới, dùng ngay để làm bánh thì quả là tuyệt.

Nước gio để ngâm bánh (còn gọi là nước nẳng) được pha chế từ gio than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, sau đó sẽ pha thêm một chút nước vôi trong. Khâu này vô cùng quan trọng bởi nhiều quá thì nồng, mà ít quá thì bánh sẽ nhạt nhẽo

Gạo nếp sau khi được vo sạch thì cho vào nước gio ngâm qua đêm cho tới khi miết hạt gạo ở đầu ngon tay thấy mịn thì mới được. Lúc này, hạt gạo đã ngả sang màu vàng nghệ, óng ả, nhìn vô cùng hấp dẫn.


Gạo đã ngâm kỹ thì chỉ việc cho vào gói trong lá dong, lá chuối hoặc lá tre bương... Tuỳ từng vùng, người ta lại sử dụng một loại lá khác nhau.

Cứ nghĩ là chỉ cần cho gạo vào lá, gói ghém rồi buộc lại là xong, nhưng khi bắt tay vào làm thì mới thấy chẳng dễ dàng như thế đâu nhé! Bà bảo rằng, học gói một chiếc bánh gio sao cho đẹp, để bánh luộc vừa ngon mà không bị nát cũng là một bài học vô cùng quan trọng.

Bánh muốn ngon thì phải gói thật chặt tay, lớp lá xếp lại gọn gàng để bánh nhìn cho đẹp mắt, sau đó buộc kỹ bằng những sợi dây dài và chắc. Chiếc bánh có hình thuôn dài để khi ăn dễ cắt thành miếng nhỏ.

Sau khi gói xong, bánh sẽ được cho vào nồi ngập nước và nấu chín bằng lửa. Tuỳ thuộc kích thước, thời gian luộc bánh có thể là 1 hoặc 2 giờ. Bánh chín vớt ra phải được cho ngay vào nước lạnh, vừa để nguội nhanh, vừa giữ được màu xanh của lá và làm sạch những thứ còn bám ở bên ngoài.

Ăn bánh gio, phải biết thưởng thức thì mới thấy ngon

Ngày bé tỉ bé ti, tới ngày Tết Đoan Ngọ, đứa nào đứa nấy đều háo hức chờ mẻ bánh gio mới. Hồi ấy chẳng biết gì là thưởng thức, chỉ thấy ngon là ăn, là thích, thế là đủ có bao kỷ niệm tuổi thơ rồi.

Bánh gio chín, lớp bánh vàng óng dần dần hiện ra sau lớp lá. Từng hạt gạo dính chặt vào nhau thành một khối, mịn chắc như một khối thạch. Bánh hơi trong, có màu vàng như hổ phách.

Lớp bánh gạo nếp rất dẻo, không thể dùng dao cắt mà phải dùng dây gói bánh cắt thành từng khoanh nhỏ.

Bánh gio ăn nhất định không thể thiếu đường mật. 

Vị bánh thanh thanh, mát mát nhẹ nhàng, đâu đó thấp thoáng chút nồng của nước vôi trong, ngai ngái hương vị cây cỏ của hương đồng gió nội. 

Chấm một lớp một rồi bỏ vào miệng, vị bánh hoà quyện với thứ đường mật đặc sền sệt, ngọt ngào lan toả.


                                                                   Ảnh: kenh14

Ăn bánh gio không thể vội vã mà phải ăn từ từ, nhẩn nha thưởng thức thì mới thấy hết hương vị, càng ăn càng thấy ngon... Mẹ dặn, ăn như vậy không chỉ là để biết bánh ngon đến đâu, mà còn để rèn giũa cho người con gái sự thuỳ mị, nết na, ý tứ...

Với người xưa, bài học đầu tiên trong cuộc đời mỗi người là bài học "học ăn, học nói", và cái cách ăn bánh gio như thế cũng là cách để người ta truyền lại những đức tính tốt đẹp từ đời này sang đời khác...

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, ai ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng với những xô bồ, lo toan, vất vả... Thế nhưng, ngày Tết Đoan Ngọ, dù ở đâu, làm gì, cũng đừng quên ăn bánh gio với đường mật. Đó không chỉ là thưởng thức một nét văn hoá ẩm thực cổ truyền, mà còn là lưu giữ một phong tục đẹp của ông cha.

Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ) diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm là một ngày lễ Tết truyền thống ở một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Đây là một trong những nét văn hoá cổ truyền của dân tộc, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ là ngày phát động diệt sâu bọ cho cây trồng, với mong muốn một vụ mùa bội thu.

----------------------

Theo Tri thức trẻ


0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG