Nghịch cảnh cuộc đời đưa họ đến với nghề bếp. Họ trở thành bạn đồng hành, với hành trang là nghị lực và đam mê để vươn lên...
Đức Hoàng (trái) và Quang Thanh trình bày bàn tiệc tại vòng sơ tuyển Chiếc Thìa Vàng 2016. Ảnh: Trung Dũng
1. Hạt ươi xuất hiện trong chén súp khai vị của đội thi đến từ nhà hàng 79 Gia Bảo (Kon Tum) khiến Ban giám khảo vòng sơ tuyển Chiếc Thìa Vàng cụm khu vực Tây Nguyên thừa nhận là “chưa từng thấy”. Quyết định có phần táo bạo ấy của đội trưởng Nguyễn Đức Hoàng xuất phát từ... thị trường. Kon Tum trúng mùa, sản lượng ươi nhiều nhất trong vòng mười năm qua. Niềm vui được mùa tắt lịm khi giá rớt theo chiều thẳng đứng. Ký ươi đẹp chỉ 120 ngàn đồng, chưa bằng 1/5 những năm trước. Đưa hạt ươi lên bàn tiệc ngõ hầu tìm thêm lối ra cho “lộc của rừng” là cách nghĩ chân phương của chàng đầu bếp dưới bóng đại ngàn Chư Mom Ray. Xét cho cùng, Hoàng cũng khó có thể làm hơn giúp người dân quê mình, ngoài khả năng sáng tạo trong gian bếp.
Hoàng đến với nghề như sự xô đẩy của số phận. Giấc mơ y khoa tan vỡ sau khi cậu vừa kết thúc kỳ thi học kỳ I lớp 11. Dọn về ở với cha và mẹ kế được ba ngày, Hoàng bỏ nhà ra đi. Cô thân cô thế, cậu nhập băng với đám bụi đời choai choai. Quậy phá. Đánh lộn. Cuộc sống bầy đàn không biết đến ngày mai. Bế tắc. Nhà không lối về. Phố huyện nhỏ xinh, tách đàn vẫn đụng mặt nhau. Phải đi xa dù chưa biết đi đâu. Chiếc xe đò ngang đường “bốc” chàng thanh niên 17 tuổi rời xóm núi...
Đức Hoàng trong một khâu trang trí món dự thi ở vòng sơ tuyển Chiếc Thìa Vàng 2016. Ảnh: CTV
Nha Trang. Công việc đầu tiên ở phố biển là chân chạy bàn tại một nhà hàng. Có cơm ngày ba bữa. Có chỗ chui ra chui vào. Hằng tháng có thêm ít tiền dằn túi. Thương thằng nhỏ làm siêng, đầu bếp dắt qua quầy pha chế. Nhưng mùi xào nấu ngào ngạt từ gian bếp nhà hàng quyến rũ hơn. Cậu nhớ cha mình. “Thực đơn cuộc thi năm ngoái (Chiếc Thìa Vàng 2015 - NV) có món tôi học từ ông” - Hoàng nhắc lại món vịt bóp hoa chuối. Sau ba tháng được rút vào trong bếp, cậu bắt đầu đứng nấu.
Đủ 18 tuổi, Hoàng có giấy gọi nhập ngũ. Phiên chế bộ phận hậu cần, tiểu đoàn 304. Hết 18 tháng nghĩa vụ, Hoàng lộn lại Nha Trang, đầu quân cho một nhà hàng ở Hòn Chồng trước khi qua Lào “tu nghiệp”. Sau hai năm tích lũy kinh nghiệm, Hoàng hồi hương, nấu cho một nhà hàng mới khai trương. Ở đấy, cậu gặp Nguyễn Quang Thanh - đồng đội sát cánh hai mùa Chiếc Thìa Vàng liên tiếp - vào một ngày giáp Tết. Nhà hàng tuyển chạy bàn do phần lớn nhân viên đã về sum họp cùng gia đình.
Súp hạt ươi hải sản ăn kèm salad hạt ươi trái cây - Một trong bốn món ăn giúp Đức Hoàng và hai cộng sự Quang Thanh, Quang Huy đoạt giải nhất vòng sơ tuyển cụm Tây Nguyên. Ảnh: CTV
2. Khác với Hoàng, Thanh hầu như không có ký ức về cha. Ông qua đời khi cậu mới lên ba. Mẹ đi bước nữa. Thanh qua ở với cô ruột. Vợ chồng cô làm nông, cũng nghèo. Quần quật trên đồng mà thiếu trước hụt sau quanh năm suốt tháng. Hết lớp một, Thanh buộc phải nghỉ học, nhường phần đến trường cho ba người con của cô. Phú Thọ rừng cọ đồi chè. Cậu bé xin làm mướn. Lao động giản đơn như hái chè thuê cũng quá sức với đứa bé ốm o ốm eo. Nhưng ít ai nỡ khước từ. Xem như làm phước. Công nhật đổi ba bữa cơm. Nhờ vậy mà gia đình cô bớt một miệng ăn.
Năm 16 tuổi, Thanh theo một người cùng làng xuống Hà Nội bán bắp xào. Rành nghề, cậu ra riêng, đồ thêm xôi gấc, xôi đậu đen... Quà bán lúc khoan lúc nhặt. Những buổi ế hàng, ăn lòi họng. Nhưng hãi hùng nhất là bị trật tự đô thị thủ đô thu đồ, giam xe. Cắc ca cắc củm chẳng bõ đóng phạt. Đành đi chỗ khác kiếm ăn. Xe xuôi dần vào Nam. Huế, Sài Gòn, Bình Dương... rồi ngược lên Kon Tum. Trong đám lao động thời vụ, Thanh nói ít làm nhiều. Từ chân chạy bàn, Thanh được rút dần vào trong bếp. Xe xôi “trùm mền”.
Phần việc cuối ngày ở nhà hàng là rửa đống chén dĩa ngổn ngang. Chuyện đời tỉ tê. Chuỗi ngày buồn thương làm mồi nhậu lai rai đêm trừ tịch. Rồi Thanh dọn đồ về ở trọ cùng Hoàng. Tiền mướn nhà nhẹ bớt. Tình người nặng thêm.
Quang Thanh nói ít nhưng làm nhiều... Ảnh: CTV
3. Tướng lù đù mà vô bếp Thanh lẹ việc. Hoàng dốc túi truyền nghề. “Thầy” hết bài, Thanh cầu học thêm từ những đàn anh. Thu nhập tăng theo kinh nghiệm. Khi lương đầu bếp Kon Tum kịch trần thì Hoàng khởi nghiệp, năm 2012. Quán nhỏ, mang tên cậu con trai đầu lòng của Hoàng, chuyên phục vụ đặc sản địa phương. Thanh cũng bỏ nhà hàng, về phụ. Đi chợ. Chế biến. Nấu. Chạy bàn. Rửa chén. Khách ra vô nườm nượp. Hoàng “dí” Thanh việc cộng sổ cuối ngày. Phần vì tin cậy, phần khác là ép bạn học chữ, làm tính. Tuổi 30, Thanh nắn nót tập viết tên mình...
Chiếc Thìa Vàng 2016 là mùa cuối cùng hai người bạn đứng chung một đội. Thanh sẽ ra riêng để khám phá những thử thách mới của nghề bếp. Hoàng ủng hộ, bởi anh cũng xác định ráng thêm ít năm, gầy đủ vốn thì chuyển qua kinh doanh đồ uống. Nghề bếp giúp họ tạo dựng nên tình bạn, tình đồng nghiệp bền đẹp. Càng ý nghĩa hơn khi đội của họ vừa đoạt giải nhất cụm Tây Nguyên vòng sơ tuyển Chiếc Thìa Vàng diễn ra tại Đà Nẵng. Thử thách tiếp theo sẽ là vòng bán kết, với chủ đề “Món ăn vàng”. Lại thêm những ngày chung lưng đấu cật...
Tận dụng những ngày không dao thớt, Thanh về thăm cha mẹ nuôi. Ông bà làm nông, cũng ở Kon Tum. Quẹo vô nghề bếp trên nóc nhà Đông Dương thay đổi đời Thanh. Có một cái nghề lương thiện để sống. Có một mái nhà để về.
Bếp yêu thương...
Tường Anh
(Theo Người Đô Thị)