Ăn chơi côn trùng

Thứ sáu, 05/01/2018 15:24
0
0
Ngày trước đọc báo thấy nữ minh tinh Angelina Jolie nhận cậu bé Maddox người Campuchia làm con nuôi. Sau đó nàng tập cho con trai nuôi ăn... con gián để giữ gìn nguồn cội và truyền thống.

Tôi cứ ngỡ người dịch bài có vấn đề, chắc lại dịch loạn. Dân tộc có đói kém đến mấy cũng chả ai đi lấy gián mà ăn.

Sau sang Campuchia mới biết là chuyện có thật, ở đấy không chỉ đói mới ăn gián mà gián còn được nâng lên thành món ăn chơi, món khai vị, thành đặc sản và tinh hoa ẩm thực. Người Campuchia ăn gián từ thời tổ tiên, không những ăn gián còn ăn đủ các loại côn trùng khác, mà trong đó dế cũng là một nguồn thực phẩm tự nhiên bổ dưỡng.


Minh họa của Choai.

Dọc đường từ Kampong Cham đi Svey Rieng rồi Kampong Thom, nhiều khu vực người ta chăng bẫy để bắt dế cơm. Bẫy là một tấm nilon trắng giăng cạnh chiếc đèn, dưới lại có chậu nilon đựng nước. Tối đến dế cơm lao vào tấm màn sáng và rơi tõm xuống miếng nilon phía dưới, để rồi sáng hôm sau được vun lại thành đống và đem rao bán với giá 4000 riel (16.000 đồng Việt Nam) một cân. Nay họ không những bán dế trong nước mà còn buôn sang tận Thái Lan.

Dế rán giòn là một món ăn rất ngon và bổ được người dân Campuchia ưa thích. Từ các chợ quê đến hàng quán dựng dọc bờ sông trước cổng cung điện hoàng gia Phnompenh, dế được tẩm đường, gia vị, muối ớt rồi bán với giá chung trong cả nước là 5000 riel một ống bơ. Tôi cũng mua một túi dế và cảm nhận vị đặc biệt trong món ăn truyền thống này: Bùi, ngậy và rất thơm, mặc dù vừa ăn vừa sợ… mất vệ sinh.

Sau mới phát hiện ra rằng còn rất nhiều món quà vặt bất ngờ khác như ếch bao tử nhồi xả tẩm ớt rán, nhộng rán, nhện rán, bọ cạp rán và cả… gián rán giòn. Cả khách du lịch lẫn dân bản xứ đều thống nhất rằng món gián là tuyệt nhất nhưng lòng can đảm của tôi chỉ có giới hạn, dẫu biết rằng loài gián này không phải anh em ruột với mấy chú gián béo múp trong khu bếp nhà tôi.

Nhắc đến những món ăn... sờ sợ thì người Pháp cũng có đặc sản ốc sên. Mấy con ốc sên nhầy nhớt bám vỏ cây trong vườn lúc trời mưa được đưa vào nhà hàng năm sao, đầu bếp nướng lên với bơ tỏi thơm phức, rồi lại rưới thêm nước xốt rượu vang, xạ hương, mùi tây, hạt thông. Rồi người ta còn làm mưa nhân tạo cho ốc sên sinh sôi thật nhanh để gia tăng sản lượng.

Dân Việt Nam thì ăn châu chấu nướng, nhộng và cà cuống đã thành loại gia vị quý hiếm đến nỗi người ta còn phải làm giả. Nhưng ở nhà tôi hay rang nhộng ăn với cơm, còn ở Campuchia, nhộng rán là món ăn chơi. Người ta mua một túi giấy đựng nhộng rồi vừa đi dạo dọc đại lộ vừa nhón ăn như bỏng ngô, ô mai.

Nằm trên đại lộ Souphanouvong, hoàng cung kiêu hãnh với bức ảnh hoàng hậu khổng lồ ngay mặt tiền. Đối diện hoàng cung là quảng trường rộng lớn, cũng là nơi tụ hội của giới trẻ, người ta bày bán những mẹt hàng rong gồm côn trùng rán, bún chan cà ri cốt dừa, hoa quả xay với lòng đỏ trứng gà... Món sinh tố này cũng mới khiếp làm sao, tôi không dám thử, vì cứ hình dung trứng sống quyện với trái cây là đã thấy phát ốm lên rồi.

Ngoài các đặc sản côn trùng thì Campuchia còn nổi tiếng với đường thốt nốt, thứ đường đóng bánh làm từ cây thốt nốt có vị thơm như kẹo, nấu chè rất ngon. Giống cây này vô cùng quen thuộc với người Campuchia, cung cấp sản lượng hoa trái dồi dào cho họ hàng ngày và góp phần không nhỏ vào thu nhập của đất nước.

Thốt nốt trông tựa cây cọ, lá dài và có tua gai sắc nhọn. Cây thốt nốt cũng có ở Việt Nam. Dọc những nẻo đường Hà Tiên, Châu Đốc, khu vực giáp ranh Campuchia, thốt nốt đứng thành rặng giữa cánh đồng nắng cháy, là nguồn thực phẩm yêu quý của người Khơme, không khác gì cách người Bắc Bộ thương mến cây chuối và người Bến Tre ngưỡng mộ cây dừa.

Khi cây thốt nốt ra hoa, người Khơme sẽ cắt một đoạn đầu bông rồi buộc bình hứng nước dưới vết cắt. Qua một đêm, mỗi đầu hoa sẽ cho khoảng 1 lít nước. Nước ấy là phần dịch chảy ra từ các bộ phận của cây thốt nốt, vô số vitamin và nguyên tố vi lượng tập trung ở đấy, uống lại ngon nữa, nên khắp các vệ đường của tỉnh An Giang, Kiên Giang, nhan nhản những tấm biển viết chữ thô sơ: “Nước thốt nốt ướp lạnh”, một món giải khát phổ biến y như nước mía.

Nước thốt nốt uống thơm và ngọt, có vị... thốt nốt, người bán đóng sẵn vào các chai Lavie, giá 7.000 đồng/chai, nhìn cũng thấy không sạch sẽ gì lắm. Thốt nốt lại còn là thức uống dễ lên men (thường dùng để làm rượu) nên mua nước vào cuối chiều thì dễ uống phải đồ thiu.

Tôi cũng mua một chai thốt nốt, rót ra cốc rồi thả múi thốt nốt vào. Uống như chè thạch. Thốt nốt ướp lạnh ăn giòn, dẻo như dừa non và có thể chế thêm vào các loại chè. Quả thốt nốt cũng được bán đầy vỉa hè Campuchia và cả khu vực biên giới Việt Nam. Trông nó giống trái dừa nhưng nhỏ hơn, lúc tãi ra thì lại thấy giống cách sắp xếp của múi sầu riêng. Nước thốt nốt ấy sau khi đun lên sẽ thành đường.

Cái bận ở Campuchia, nhờ anh chàng hướng dẫn sành sỏi mà tôi mua được gói đường thốt nốt thơm lựng, về nấu chè ấy cứ gọi là. Đường thốt nốt được bọc trong gói lá tươi, mịn tơi như bột, có màu vàng nhạt như mật ong. Nhưng sau này tôi cũng mua đường thốt nốt nhiều lần, cả ở chợ Bến Thành và nhờ người quen mua tận Campuchia, đều không được ngon bằng lần đầu tiên. Loại đường thỏi ấy có lẽ đã không còn được nguyên chất nữa rồi. Đường thốt nốt nghe đâu giàu dinh dưỡng và bổ hơn đường mía.

Lá thốt nốt thì dùng để làm đồ thủ công như rổ rá, quạt, nón, mũ, ô, thảm, mái nhà, hàng rào. Thân cây dùng làm kèo làm cột vì gỗ cứng đanh. Cây thốt nốt con được nhiều vùng coi như món rau. Nước thốt nốt còn được người Hà Tiên nấu thành bánh bò thốt nốt (dù ăn không ngon tí nào). Nhiều vùng Ấn Độ sáng tạo lấy lá thốt nốt làm bánh bột gạo.

Xem ra cây thốt nốt cũng được tận dụng chả bỏ đi thứ gì giống cây chuối, cây dừa, kiểu lành làm gáo, vỡ làm muôi, cách gì cũng dùng được cả. Nếu như chưa có dịp đi Campuchia để thưởng thức “văn hóa thốt nốt” thì đi mấy vệt vùng biên ở khu vực cửa khẩu Hà Tiên, Tịnh Biên coi cũng được.

Người Campuchia hồn nhiên như cây cỏ, nên món ăn cũng hồn nhiên và vô tư biết bao. Cây thốt nốt tiện đấy thì chế đồ giải khát, và côn trùng... tiện đấy thì làm thành món ăn chơi. Tất cả từ những cánh đồng mà ra cả. Những cánh đồng gắt nắng mà tràn đầy sức sống và ẩm thực.

Theo LĐO

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG