Ẩm thực là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Thứ hai, 26/12/2016 11:23
0
0
Từ bữa ăn kiểu Pháp, ẩm thực truyền thống Nhật Bản Washoku, nghệ thuật làm bánh gừng của Croatia đến phong tục nhâm nhi cá sống với rượu vang trong lễ hội đông ở Bỉ, văn hóa ẩm thực ngày càng được UNESCO ghi nhận...

Dù chiếm số lượng không nhiều trong danh mục di sản được công nhận của UNESCO nhưng ẩm thực là loại di sản hấp dẫn và có nhiều tiềm năng, đang được nhiều nước quan tâm đầu tư để tìm kiếm vị trí xứng đáng cho giá trị văn hóa tinh tế này.

Sự tự tin của người Pháp

Nhắc đến ẩm thực Pháp, không chỉ nhắc đến một đỉnh cao của tinh hoa ẩm thực châu Âu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010, Kinh đô Ánh Sáng còn là quê hương của những đầu bếp trứ danh, là nơi khai sinh ra những món ăn thượng hạng cũng như định hình nên một phong cách ăn uống cầu kỳ đã trở thành chuẩn mực của ẩm thực thế giới.



Từ bao thế kỷ nay, người Pháp luôn tin rằng không có gì làm khoái trá khẩu vị và thăng hoa tinh thần bằng việc cùng ăn một bữa ngon với gia đình và bằng hữu. Tại một hội chợ nông nghiệp năm 2008, Tổng thống Nicolas Sarkozy tự hào tuyên bố "ẩm thực Pháp ngon nhất thế giới và cần phải được đưa vào danh sách di sản văn hóa nhân loại của UNESCO".


Pháp còn là nhắc đến quê hương của ẩm thực thượng hạng, bởi cụm từ “Haute Cuisine” chẳng phải xuất phát từ nước Pháp. Haute Cuisine là một thuật ngữ dành cho một trường phái ẩm thực sử dụng nguyên liệu tinh tuyển đắt đỏ, nấu nướng công phu, bài trí tinh tế và thưởng thức đúng điệu. Các món ăn này cũng thường kèm theo các loại rượu vang cao cấp nhất.



Hơn thế nữa, sự đẳng cấp còn thể hiện ở phong cách ăn uống trang nhã và đầy lịch thiệp. Người Pháp không có khái niệm ăn nhanh, ăn vội mà bữa ăn là một nghệ thuật và chỉ cần bước vào một gian bếp hay nhà hàng bạn đã là một nghệ sĩ. Họ cũng nổi tiếng lịch lãm đặc biệt trong ăn uống nhờ sự cẩn trọng và tỉ mỉ đến từng chi tiết bài trí bàn ăn, tư thế ngồi và cả cách dọn bàn.


Có thể nói, bữa ăn kiểu Pháp là cả một nghi thức chặt chẽ: Khởi đầu với rượu khai vị (apéritif), tiếp theo là món đầu bữa, món chính (gồm rau đậu, thịt, cá...), pho mát hoặc món tráng miệng và kết thúc là loại rượu đặc biệt giúp cho tiêu hóa. Bữa ăn này đề cao sự đoàn tụ, sự khoái khẩu và sự hòa hợp giữa con người với các sản phẩm tự nhiên. Các yếu tố quan trọng để ẩm thực Pháp được xếp hạng bao gồm: kho tàng công thức chế biến ngày càng phong phú, lựa chọn nguyên liệu cẩn thận, kết hợp món ăn với rượu vang một cách tinh tế, cách bày bàn ăn bắt mắt, nghi thức tinh tế...

Chiến lược của người Nhật

Khi ẩm thực truyền thống Nhật Bản - Washoku được UNESCO công nhận vào năm 2013, người Nhật vô cùng tự hào bởi đây không phải là món ăn cụ thể mà là cả một nền ẩm thực đã được thế giới tôn vinh. Ý tưởng đề nghị UNESCO công nhận các món ăn truyền thống Nhật Bản là di sản văn hóa phi vật thể thế giới được các đầu bếp hàng đầu tại cố đô Kyoto khởi xướng nhằm bảo vệ giá trị ẩm thực truyền thống trước sức "tấn công" mạnh mẽ của đồ ăn nhanh. Người Nhật đã thực sự tham vọng khi đề xuất UNESCO công nhận không chỉ một món ăn cụ thể mà thay vào đó là tổng hòa các món ăn truyền thống.


Trong đề án, Bộ Nông lâm thủy sản, Ban Di sản văn hóa đã đưa ra định nghĩa về Washoku: "Được tạo nên trên nền tảng tinh thần coi trọng sự tự nhiên của người Nhật; là tập quán xã hội liên quan chặt chẽ tới sự kiện trong năm như lễ đón năm mới, vụ mùa, lễ hội thu hoạch; làm tăng sự gắn kết giữa gia đình hay vùng miền".



Trong tiếng Nhật, từ “washoku” được dùng để phân biệt món ăn Nhật với món ăn có ảnh hưởng từ nước ngoài (yoshoku). Một đặc trưng quan trọng khác trong món ăn truyền thống Nhật Bản chính là nguyên liệu chế biến thức ăn phong phú đa dạng và thay đổi theo từng mùa; thường sử dụng những loại lá cây, quả, hoa trong vườn nhà để trang trí cho món ăn. Người Nhật cho rằng để đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng, mỗi bữa ăn cần có đủ năm màu (trắng, đỏ, vàng, xanh lục và màu tối) và sự kết hợp hài hòa giữa các vị mặn, chua, ngọt, đắng và umami (cảm giác ngon miệng).


Ngoài ra, đầu bếp Nhật luôn quan tâm tới tính thẩm mỹ, để mỗi món ăn đều trông như một tác phẩm nghệ thuật. Người Nhật thường ưa những món ăn thanh đạm nên hạn chế sử dụng tỏi, hạt tiêu và dầu mỡ. Đầu bếp luôn cầu kỳ trong việc lựa chọn đĩa đựng thức ăn, trong đó chất liệu ưa thích là gốm cổ và sơn mài với nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau.


Cuộc chạy đua giữa Kimchi và Pizza

Dù Kimjang - văn hóa muối Kimchi của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013 nhưng người Hàn Quốc vẫn không ngừng quảng bá cho món ăn được ghi nhận là quốc bảo của mình. Trong khi các nhà hoạch định chiến lược quốc gia tăng cường trong lĩnh vực xuất khẩu thì những người trẻ đa dạng hóa cách thể hiện tình yêu dành cho biểu tượng văn hóa của nước mình.

        Xe bus đỏ in hình kim chi - "quốc bảo Hàn Quốc" đi khắp thế giới để quảng bá về món ăn

Những sinh viên khoa Quản trị Khách sạn của Đại học Kyunghee đã thực hiện chuyến du lịch vòng quanh thế giới bằng chiếc xe buýt cũ kỹ cùng một tủ lạnh đầy cải thảo muối. Khởi động từ năm 2011 với các chuyến đi qua hơn 140 thành phố ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản.., năm 2014, chiếc xe buýt nhỏ màu đỏ in hình kim chi tiếp tục chở nhóm sinh viên thực hiện hành trình cuối cùng tới Mỹ Latinh. Ở mỗi chặng dừng chân, họ lại thể hiện công đoạn làm món ăn này, cách bày biện một bữa ăn truyền thống của người Hàn Quốc và mời người dân địa phương thưởng thức.

Cũng nổi tiếng và có mặt trên khắp thế giới nhưng Pizza của Italy vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng. Đây là lý do khiến cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Alfonso Pecoraro Scanio phải tích cực phát động chiến dịch thu thập chữ ký đề nghị xét công nhận Nghệ thuật làm bánh pizza Napoli là di sản văn hóa phi vật thể. Ông mong muốn món bánh này được biết đến trên toàn thế giới và bảo hộ quyền sở hữu với công thức chế biến.


                  Pizza Napoli đã được EU công nhận là Đặc sản truyền thống được đảm bảo

Năm 2009, Pizza Napoli đã được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là Đặc sản truyền thống được đảm bảo. Điều này có nghĩa là những người thợ làm bánh pizza theo công thức Napoli cần phải chuẩn bị và nướng món ăn này theo đúng quy cách với nguyên liệu được tiêu chuẩn hóa như bột đế bánh phải được nhào thủ công, sử dụng cà chua San Marzano và pho mát Mozzarella làm từ sữa trâu, bánh phải được nướng trong lò đốt than củi cùng cách trang trí mỹ thuật nguyên liệu đi kèm.

Quỳnh Anh

(Theo Báo Thế giới & Việt Nam)

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG