Từ lâu nay, ẩm thực luôn thể hiện vai trò quan trọng trong những sự kiện ngoại giao, có thể tác động tiêu cực hay tích cực tới việc đưa ra quyết sách của các chính trị gia.
Món khoai tây chiên Thụy Sĩ, một trong những món ăn Hàn Quốc dự tính thết đãi Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 (Ảnh: Yonhap)
Các nhà lãnh đạo thế giới thường dành nhiều thời gian thương lượng những tình huống khó khăn và để trao đổi, chia sẻ ý kiến, đôi khi dành những đêm không ngủ để đưa ra những quyết định quan trọng. Tuy nhiên, trong những cuộc gặp gỡ, hội họp, họ luôn cần được ăn uống, nạp năng lượng cho công việc.
Nhân sự kiện hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều, BBC đã phân tích về sự ảnh hưởng của ẩm thực trong ngoại giao nói chung và trong quá trình đưa ra quyết sách nói riêng của các lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp cấp cao Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày mai 27/4. Đây được coi là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên từ năm 2007. Hàn Quốc đã quyết định phục vụ 2 nhà lãnh đạo món cá nướng John Dory nhằm gợi nhắc quãng thời gian ông Moon từng sống ở thành phố Busan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, Seoul cũng không quên bổ sung món khoai tây chiên kiểu Thụy Sĩ, như một lời gợi nhắc về quãng thời gian ông Kim được cho là đã du học ở Thụy Sĩ.
Johanna Mendelson-Forman, giáo sư đại học America, Mỹ, chuyên gia về ngoại giao ẩm thực nhận định việc đưa món khoai tây vào thực đơn thể hiện một phần chiến lược của Hàn Quốc nhằm “lấy lòng” ông Kim.
“Đó là một thực đơn tuyệt vời. Bởi vì nó gợi nhắc phong vị từ 2 miền bán đảo Triều Tiên. Đó là “thực đơn thống nhất”. Vì vậy, nó dường như thể hiện mục tiêu thống nhất trên bàn đàm phán”, nhà quan sát Sam Chapple Sokol nhận định về thực đơn Hàn Quốc tính thết đãi Triều Tiên, cho rằng đây là dụng ý của Seoul nhằm một phần tạo không khí tích cực hơn cho hội nghị.
Tuy nhiên, do Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận ông Kim Jong-un từng du học Thụy Sĩ nên ông Sokol cho rằng chiến lược của Hàn Quốc cũng có những rủi ro nhất định.
Công cụ ngoại giao lâu đời nhất
Phái đoàn Mỹ và Iran trong một phiên họp thương lượng về vấn đề hạt nhân của Tehran năm 2015 (Ảnh: Reuters)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng gọi ẩm thực là “công cụ ngoại giao cổ xưa nhất” trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao. Tuy nó có thể mang lại những hiệu quả tích cực nhưng không ít lần đi kèm với những rủi ro.
Năm 1992, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã tới thăm Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến công du châu Á. Trong bữa tiệc tối, khi món cá hồi sống ăn kèm trứng cá muối và bò nướng sốt tiêu được phục vụ, ông Bush đã bị nôn trên bàn tiệc. Sau đó, các báo cáo cho biết phần thức ăn phục vụ các lãnh đạo hoàn toàn ổn, nhưng một nguồn thạo tin nói rằng ông Bush bị cảm cúm vào thời điểm đó. Dù không gây ra rắc rối về chính trị, nhưng đây vẫn là một sự cố trong lịch sử ngoại giao.
Tuy vậy, có nhiều trường hợp cho thấy tầm quan trọng của ẩm thực trong các cuộc đàm phán.
Chuyên gia Maria Velez de Berliner cho rằng “ẩm thực là công cụ cực kỳ quan trọng và ai có quyền kiểm soát với đồ ăn là người có quyền kiểm soát căn phòng hội nghị”. Điều này dường như chính xác với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Năm 1979, trong cuộc họp Hội đồng châu Âu, Tổng thống Pháp Giscard d'Estaing đã đề xuất tạm dừng phiên họp để dùng bữa. Tuy nhiên, “bà đầm thép” của nước Anh đã từ chối kết thúc hay tạm dừng phiên họp trước khi quyết định được đưa ra, ông Estaing đã rút lại đề nghị và ông thậm chí còn đồng thuận với các đề xuất của bà Thatcher sau đó khi phiên họp kéo dài về đêm.
Bà Mendelson-Forman cho rằng ẩm thực trong ngoại giao cũng đồng thời có khả năng phá vỡ những rào cản và giới hạn. Bà cho rằng thức ăn làm cho con người trở nên nhân văn hơn và một góc độ nào đó có thể “cảm hóa” được đối thủ trên bàn đàm phán.
Theo New Yoker, trong 20 tháng đàm phán về tình hình hạt nhân Iran năm 2015, căng thẳng đã dâng cao đến mức cuộc thương lượng tưởng chừng đã thất bại ít nhất 5 lần. Các nhà đàm phán thường dùng bữa riêng rẽ, nhưng ngày 4/7, quốc khánh Mỹ, phía Iran đã mời phía Mỹ cùng dùng món bánh mì và không đề cập tới công việc trên bàn ăn.
“Đó là lần đầu tiên người Mỹ và người Iran nhìn nhau với ánh mắt khác. Ban đầu, họ coi nhau là những nhà đàm phán, nhưng sau đó họ đã trao đổi như những người bình thường”, bà Giscard d'Estaing kể.
Trong 10 ngày sau đó, thỏa thuận đã được hai bên thông qua và chuyên gia hai bên nhận định rằng điều này nhờ một phần vào bữa ăn hai bên đã cùng dùng với nhau. Một bữa ăn tưởng chừng đơn giản nhưng có thể thúc đẩy những quyết định rất quan trọng cho thế giới.
Theo Dân trí/ BBC