Nhiều người không biết những loài hoa dân dã gắn liền với vùng sông nước như điên điển, so đũa, kèo nèo... đều có thể chế biến thành món ăn hấp dẫn, mang hương vị riêng.
Theo người dân miền Tây, chỉ có ai từng gắn bó với miệt sông nước thì mới biết yêu và nhớ thương da diết từng loại hoa cỏ đồng nội này. Hoa không chỉ khoe vẻ đẹp mộc mạc, còn tạo nên nét đặc trưng trong ẩm thực với những món ăn bổ dưỡng và tinh tế.
Hoa điên điển
Theo những người dân miền Tây, điên điển ngày xưa là cây hoang dã, thuộc họ đậu thân gỗ nhỏ, dễ thích nghi với môi trường và có sức sống mãnh liệt ở vùng ngập nước theo mùa. Loại nông sản này chủ yếu tập trung nhiếu nhất An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP Cần Thơ.
Hoa điên điển nở rộ nhất vào mùa nước nổi ở miền Tây, có màu vàng trông rất đẹp mắt và ấn tượng. Hoa có tác dụng giải nhiệt, an thần, nhuận trường, có ích cho người thường bị nóng bứt rứt, khó ngủ, táo bón, dễ bị mụn nhọt.
Điên điển được xem là một loại hoa đặc sản miền sông nước, không chỉ để ngắm, mà còn là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn dân dã, giàu dinh dưỡng, mang hương vị thơm, giòn, bùi, béo như: canh chua hoa điên điển nấu cá linh, nộm hoa điên điển, hoa điên điển xào tép đồng, làm gỏi hoặc ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá...
Hoa so đũa
Cây so đũa thường mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở các vùng bờ quanh ruộng miệt sông nước miền Tây. Cây thon cao, thẳng, vỏ nhám, xù xì, nứt nẻ; trái nhỏ dài, hình dáng như chiếc đũa.
Đây là loại cây cho hoa hai màu trắng hoặc tím, mọc thành từng chùm. Hoa được sử dụng như một loại rau trong ẩm thực của nhiều nước. Những sắc tố trong hoa có tác dụng chống oxy hóa cao. Ngoài ra, so đũa còn có các thành phần khác như vitamin nhóm B, C, kali, sắt, chất xơ, đường bột...
So đũa có vị hơi đắng, nhưng hậu ngọt, tính mát. Khi chế biến món ăn, hoa sẽ không có vị nhẫn nếu được lặt bỏ nhụy, đài và cuống. Tuy nhiên, vị nhẫn lại là nét đặc trưng của hoa so đũa. Hoa phải được hái vào buổi sáng sớm khi các cánh hoa còn mơn mởn để cho vị tươi ngon, đặc trưng.
Hoa so đũa khá mong manh nên khi nấu hay xào, kho cũng chỉ cho vào vài phút để giữ được vị giòn ngọt. Hoa có thể nấu canh chua với cá, tôm; ăn sống kèm với các món lẩu, mắm; trộn gỏi hay muối dưa... tạo nên hương vị đồng quê, dân dã, thơm ngon.
Hoa thiên lý
Hoa thiên lý còn gọi là dạ ly hương có màu xanh đẹp mắt. Theo Đông y, hoa này có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, tác dụng an thần, làm ngủ ngon giấc, giảm tiểu đêm, đỡ mệt mỏi, đau lưng, có tính chống viêm…
Còn theo nghiên cứu y học hiện đại, thành phần dinh dưỡng có trong cây thiên lý gồm chất xơ 3%, chất đạm 2,8%, các vitamin như C, B1, B2, PP cùng các khoáng chất cần cho cơ thể.
Thiên lý là loại hoa có tính giải nhiệt cao, không chỉ trồng để làm cảnh, mà còn được sử dụng để chế biến những món ăn ngon như nấu cua, xào thịt bò, ăn lẩu... rất đặc sắc.
Hoa bí
Hoa bí được xem là thứ tinh túy nhất trên cây bí đỏ, không chỉ ăn ngon mà còn dùng như một vị thuốc rất quý. Trong đó, phấn hoa bí đỏ được nghiên cứu và công nhận về những tác dụng trong việc chăm sóc sức khỏe, cải thiện giấc ngủ, bảo vệ mạch máu, tim mạch, cầm máu nhanh và tăng cường sức mạnh thể chất...
Hoa bí có màu vàng, nhụy bên trong đắng. Vì vậy, trước khi nấu, bạn cũng nên ngắt bỏ nhụy. Hoa bí đực thường dùng để luộc, hấp, xào hay nấu canh với tôm khô. Món ăn có tính hàn, giải nhiệt, ngọt thanh.
Nhiều người cho rằng để hoa bí ngon phải hái ngay từ khi mới chớm nở, tước sơ qua ở cuống, rửa nước để ráo. Người miền Nam luộc hoa bí chấm nước kho cá, kho thịt hay tương dầm ớt. Hoa còn dùng để nấu canh, xào thịt bò, lẩu… Lưu ý là hoa bí nấu vừa chín tới mới có độ giòn và vị ngọt thanh.
Hoa súng
Đây là loại hoa có thân rễ ngắn, nhiều củ con, dễ trồng, sinh sống ở khu vực ao, hồ, đầm lầy. Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây hoa súng được dùng làm thuốc thanh nhiệt, chống say nắng, cầm máu...
Hoa súng ngoài màu sắc bắt mắt còn có thể chế biến thành nhiều món dân dã, gần với thiên nhiên, thể hiện nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Nam Bộ. Những món ngon và dễ thực hiện từ hoa súng như: nấu canh chua tôm, làm gỏi, trộn giấm, ăn kèm lẩu, chấm cá kho...
Hoa kèo nèo
Cù nèo (còn gọi kèo nèo) là loại cây hoang dại, rất dễ trồng, ở ven sông, ao nhỏ, dưới ruộng khắp đồng bằng sông Cửu Long. Kèo nèo có nét giống với cây lục bình (bèo Nhật Bản), nhưng sống bám cố định vào bùn đất chứ không trôi như lục bình.
Kèo nèo thường có vị đắng nhẫn nhẹ. Theo y học dân gian, đây là vị thuốc chữa trị các chứng đau lưng, nhức mỏi, mát gan, lợi tiểu… Ngoài ra, kèo nèo còn là thức ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đạm bạc.
Kèo nèo ăn cả thân lẫn hoa, trong đó hoa được xem là phần tinh túy nhất có thể đem nhúng lẩu mắm, xào, làm dưa chua ngọt... Đặc biệt, hoa kèo nèo nấu canh chua với cá lóc được xem là món đặc sản miệt vườn, được nhiều người ưa thích.
Vị ngọt, mềm, hơi nhẫn và mùi thơm đặc trưng gây ấn tượng cho những ai lần đầu thưởng thức các món dân dã làm từ kèo nèo.
Hoa chuối
Hoa chuối giàu chất xơ, protein và axit béo không bão hòa, đồng thời cũng chứa nhiều vitamin E và flavonoids... Từ xưa đến nay, hoa chuối được sử dụng rất nhiều trong các phương thuốc tự nhiên, điều trị các rối loạn khác nhau của cơ thể. Ngoài ra, trong hoa chuối còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và lợi tiểu.
Trong dân gian, hoa chuối dùng để làm nên những món ăn rất bình dị, dễ chế biến, nhưng cũng không kém phần ngon miệng. Người ta có thể bàu hoa chuối ra thành sợi để nấu canh chua với cá, làm rau kèm ăn với các món bún, trộn gỏi. Nhiều người còn rán hoa chuối để dùng như một món chay.
Hoa sen
Thiên nhiên đã ưu ái cho miền Tây nhiều loài cây thủy sinh vừa hữu ích, vừa mang giá trị kinh tế, trong đó có hoa sen. Sen miền Tây nở quanh năm từ những tháng mùa khô đến khi nước nổi.
Hoa sen ẩn chứa nét cuốn hút riêng bởi sự mộc mạc, hồn hậu. Trong một đóa hoa sen, người ta có thể chế biến nên nhiều món ăn và thức uống thanh mát, lợi tiểu. Hoa có vị ngọt, lại lành tính, tốt cho sức khỏe.
Chẳng hạn, với nhụy sen, người ta có thể làm trà sen. Trên nhụy hoa sen có một hạt nhỏ, màu trắng sữa giống như hạt gạo, còn gọi là gạo sen. Đó chính là thứ tinh túy được chắt lọc ra để ướp trà. Ngoài ra, những hạt sen có thể làm mứt, nấu chè. Hương thơm đặc trưng từ những hạt sen được xem là món quà quê quen thuộc với nhiều người con miệt sông nước Tây Nam Bộ.
Thư Kỳ
(Theo VnExpress)