Những nguyên liệu dân dã miền quê, một thời gắn với nghèo khó, nay được chắt chiu, sáng tạo để làm nên những món ăn độc đáo ít ai ngờ…
Trong chuyến hành trình tìm kiếm gia vị Việt ở miền Trung, ê-kíp quay phim Chiếc Thìa Vàng đã lặn lội đến thăm nhà thành viên đội 76 – Khách sạn Crowne Plaza Danang là đầu bếp Lê Văn Tưởng. Tưởng sống tại vùng biển nghèo Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam. Sở dĩ cả ê-kíp chọn đây là địa điểm ghi hình bởi những món ăn từ xương rồng mà các đầu bếp đội 76 giới thiệu tại vòng bán kết miền Bắc quá ấn tượng.
Cây xương rồng của vùng đất cát miền Trung được đội 76 mang tới dự thi
Khi ban tổ chức đến, mẹ Tưởng đang chế biến món ăn từ trái xương rồng. Bà nói: “Trái này ngon lắm, chỉ cần bỏ gai đi, lột vỏ ra, cho ít đường vào hòa tan, cùng một múi chanh, đá bào cho ra món ăn có vị thanh gần giống như thanh long đỏ”.
Chính nhờ món ăn của mẹ mà các đầu bếp đội 76 đã có cảm hứng sáng tạo nên thực đơn Món ăn vàng, chiến thắng ở vòng bán kết miền Bắc để đoạt vé vào vòng chung kết: Salad xương rồng – cồi sò điệp Nhật kèm bong bóng cá và càng cua chiên xốt hạt bí đỏ; Súp quả khế nấu cá chình sông; Ức vịt khìa xốt ngũ vị kiểu phá lấu ăn cùng cơm gấc, rau củ; Bánh lạnh hương chanh ba tầng xốt quả xương rồng.
Đầu bếp Đinh Duy Bình chia sẻ với ban giám khảo về công dụng của xương rồng
Đội trưởng Đinh Duy Bình chia sẻ: “Hồi nào giờ tôi không biết xương rồng ăn được. Sau đó, nhờ mẹ của đồng nghiệp Lê Văn Tưởng chúng tôi mới biết đây là thứ có thể chế biến thành món ăn được. Càng nghe kể mới hay, hồi chiến tranh nghèo đói thì bà con ăn cầm cự”. Từ câu chuyện nhiều xúc cảm đó, Duy Bình đã lên mạng tìm hiểu và thấy quả là xương rồng có thể ăn được, không những thế, các đầu bếp trên thế giới còn rất ưa chuộng vì đây là món tốt cho sức khỏe chứ không chỉ là có vị hay hay, chua chua, ngọt ngọt.
Xương rồng có thể ngăn ngừa và chữa trị rất nhiều bệnh như đau lưng, tiểu đường, cột sống, huyết áp cao… Chiết xuất dung dịch từ thân cây xương rồng có thành phần kháng sinh. Nó cũng được dùng để chữa bệnh thấp khớp, phù, xóa mụn cóc, các chứng bệnh ngoài da. Thân cây sắc lấy nước có thể chữa bệnh gút…
Xương rồng được chế biến thành nhiều món ăn thanh mát, bổ dưỡng
Đội thi đã đến vùng đất cát Duy Hải để chọn những trái xương rồng năm cạnh, hay còn gọi là gai long ngon nhất. Đầu bếp Bình cho biết, với xương rồng, cần phải chế biến cẩn thận chứ không sẽ còn vị đắng, nhẫn, mủ và cả độc tố. Cách chế biến như sau: Bỏ cuống xương rồng đi, lột lớp vỏ lụa bên ngoài, chần qua nước sôi, trong nước sôi có muối để khử vị đắng. Sau khi chần trong nước sôi thì ngâm qua nước đá có chanh tươi, vắt khô cho ra hết mủ. Muối, chanh có tác dụng khử đi vị đắng và độc tố trong xương rồng.
Bàn tiệc của đội Khách sạn Crowne Plaza Danang
Món cua biển được đưa vào khai vị salad là bởi, trong cua biển có khá nhiều dưỡng chất giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tim mạch như canxi, magie và omega 3. Cua biển được đánh giá là một trong những loại thực phẩm lý tưởng nhất để duy trì hoạt động ổn định của tim mạch, giàu chất khoáng và protein. Nét ấn tượng trong món khai vị là cua biển được kết hợp với mùi thơm, bùi và vị béo của hạt bí đỏ, hòa quyện với độ giòn của lớp bột trứng thơm lừng sẽ tạo nên hương vị mới lạ trong món khai vị nóng này.
Salad xương rồng – cồi sò điệp Nhật kèm bong bóng cá và càng cua chiên sốt hạt bí đỏ
Có lẽ đây là đơn vị hiếm hoi sử dụng hạt bí đỏ để làm xốt. “Thông thường hạt bí đỏ bị vứt đi hoặc rang lên ăn chơi như hạt dưa hấu. Trong các món ăn, người ta hay xốt đậu phộng, mayonaise, trái cây chứ chưa thấy ai sốt hạt bí. Tôi nghiên cứu thấy hạt bí rất tốt cho sức khỏe, vị lại ngon nên chịu khó làm thử. Hạt bí rang lên, lột lớp vỏ lụa bên ngoài, xay lên, sau đó nêm nếm gia vị làm xốt như thông thường”, bếp trưởng chia sẻ.
Món súp quả khế nấu cá chình sông cũng là nét hương vị quê nhà Quảng Nam đáng nhớ trong thực đơn. Đây là món đội đã nấu thử cho các đồng nghiệp, bạn bè ăn thử trước khi đi thi và ai cũng khen ngon. Lấy ý tưởng từ canh chua cá vùng Thăng Bình, đội thi đã quyết định nấu món súp, sử dụng vị chua tự nhiên của khế mà không dùng thêm bất cứ thành phần nào.
Súp quả khế nấu cá chình sông
Khế có vị chua và ngọt, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Trong múi khế còn chứa hàm lượng acid oxalic là 1% cùng các yếu tố vi lượng như Ca, Fe, Na và nhất là có nhiều vitamin K, A, C, B1, B2 và P. Ngoài ra, từ lâu quả khế đã được dùng rộng rãi trên thế giới để chữa cháy nắng, chữa ho, sốt, đau họng, bệnh Eczema. Lá cây khế cũng được dùng để trị viêm loét dạ dày, viêm da có mủ, ung nhọt, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Hoa khế dùng để trị ho cho trẻ em rất tốt. Quả khế chứa một tác nhân kháng khuẩn có thể “chiến đấu” với các loại khuẩn như Microbial bacillus cereus, E.coli, Salmonella typhus… Món ăn sau khi chế biến có vị chua nhẹ, ngọt nhẹ và thanh nhẹ tự nhiên.
Ức vịt khìa xốt ngũ vị kiểu phá lấu ăn kèm cơm xốt quả gấc, rau củ
Với món ức vịt khìa xốt ngũ vị kiểu phá lấu ăn kèm cơm xốt quả gấc, rau củ, đội thi đã khéo léo kết hợp hương vị ẩm thực của nhiều nước trên thế giới. Đó là hương vị Á - Âu của gạo Ý, phô mai Âu, ngũ vị Trung Hoa… Tuy nhiên, trái gấc đậm tính Việt Nam mới là điểm nhấn. Điểm đặc biệt của món này là nước xốt nấu cùng chân vịt – một loại nguyên liệu đặc trưng ở miền Trung mà không dùng đến bột. Ngoài ra, đội đã sử dụng kỹ thuật nấu chậm để giữ độ mềm và ngọt của ức vịt.
Món tráng miệng với màu sắc bắt mắt: Bánh lạnh hương chanh 3 tầng xốt quả xương rồng
Tương tự món khai vị, trái xương rồng tiếp tục tỏa sáng trong vị xốt ở món bánh tráng miệng Bánh lạnh hương chanh 3 tầng xốt quả xương rồng. Đội thi cho biết, hiện họ đang chuẩn bị cho vòng thi chung kết và song song đó, đưa các món mới được đánh giá cao ở vòng bán kết vòng menu phục vụ thực khách của Crowne Plaza Danang.
Hành trình tìm gia vị của Crowne Plaza Danang
P.Vi
>> Xem thêm:
Thực đơn đội Crowne Palaza Danang đoạt giải nhì sơ kết Bắc Trung bộ