Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, theo các nhà sử học, hoàng tử Lang Liêu sáng tạo bánh chưng, bánh dày là câu chuyện gắn với hai món ăn đặc biệt của dân tộc sớm nhất.
Vì vậy, Lang Liêu xứng đáng là ông tổ của nghề đầu bếp Việt Nam.
Gói bánh chưng ngày tết. Ảnh: Ngọc Thắng
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang ấp ủ dự án Xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Dự án này nêu rõ nguyện vọng của đội ngũ đầu bếp Việt Nam là được tôn vinh tổ nghề, người có công sáng tạo và phổ biến nghề cho cộng đồng dân cư. Chính vì thế, câu chuyện tôn vinh ai làm tổ nghề đầu bếp đã được chính hiệp hội đặt ra. Cũng theo phác thảo của dự án, tại khu bảo tồn này (dự kiến đặt ở Yên Tử, Quảng Ninh) sẽ có cả khu vực tôn vinh tổ nghề với các công trình như đền thờ, tứ trụ, nghi môn, bình phong…
Dựa vào truyền thuyết
“Theo các nhà sử học, trong truyền thuyết của Việt Nam, hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày là câu chuyện sớm nhất gắn với hai món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Bánh chưng, bánh dày đã qua quá trình mấy ngàn năm vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Nó không chỉ là những món ăn thông thường mà còn trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Vì vậy, hoàng tử Lang Liêu xứng đáng là ông tổ của nghề đầu bếp Việt Nam. Công đức của vợ Lang Liêu, người đồng hành với chồng trong quá trình sáng tạo bánh chưng, bánh dày cũng cần được tôn vinh”, văn bản của Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu. Văn bản này đã được gửi tới báo chí trong khuôn khổ hoạt động của Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM vừa qua.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, rất cần một tổ nghề ẩm thực trong bối cảnh phát triển của ẩm thực Việt Nam bên cạnh việc phát triển đạo lý dân tộc. “Đề án đã có. Dự kiến chúng ta sẽ suy tôn món ẩm thực rất quan trọng của Việt Nam là bánh chưng, bánh dày. Từ món bánh chưng, bánh dày đó tiến tới chỗ tìm ra chủ nhân sáng tạo của các món bánh này. Sau đó chúng ta sẽ làm việc coi chủ nhân của món bánh chưng, bánh dày là tổ của nghề ẩm thực Việt Nam. Rồi chúng ta lại tiến một bước nữa là xây dựng một trung tâm văn hóa ẩm thực để không chỉ suy tôn tổ nghề mà còn là sinh hoạt và phát triển văn hóa ẩm thực”, ông Lan nói.
"Du lịch cứ làm du lịch, không việc gì phải tìm ra một ông tổ thờ!"
GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội
Tôn trọng tính đa dạng của văn hóa
Về lựa chọn Lang Liêu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng Ngọc Hoa công chúa, cũng là con của vua Hùng, còn xứng đáng tôn vinh tổ nghề bếp hơn. “Dạy người ta nấu bếp là Ngọc Hoa công chúa. Trong lịch sử, bếp gắn với đàn bà. Nếu tìm tổ nghề bếp, theo tôi nên thờ bà. Thờ nữ thần còn được thêm cả bình đẳng giới nữa, không nên cái gì cũng đàn ông cả”.
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đặt câu hỏi bánh chưng, bánh dày thế nào mới là của Việt Nam. “Bánh chưng vuông là hào quang gần đây thắp lại. Quan niệm trời tròn, đất vuông là quan niệm muộn. Nó có từ thời Lê, khi có tác phẩm Lĩnh Nam Chích quái thôi. Người Dao có bánh chưng khác, người Tày, Thái bánh chưng khác. Thuyết về đa dạng văn hóa tôn vinh ẩm thực của nhiều cộng đồng chứ không nên chỉ bó gọn ẩm thực người Việt”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, chính vì phải tôn trọng tính đa dạng văn hóa và việc tôn vinh phải tự nguyện nên đến giờ việc tìm quốc phục, quốc hoa vẫn chưa xong. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu cố tìm ông tổ nghề bếp VN sẽ gây tranh cãi.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho rằng ẩm thực rất đa dạng, phong phú nên không chỉ tôn vinh một ông được. “Chuyện đó về logic là không thể có. Đấy là cách đặt vấn đề không đúng. Ông Lang Liêu gắn với truyền thuyết cúng tiến món ăn đó cho vua. Nhưng có phải mình ông ấy cúng tiến món ăn cho vua đâu. Và thực tế nó là một truyền thuyết do mình dựng lên thôi”, ông Lương nói.
Cũng theo ông Lương: “Đầu bếp là người ta phong cho một người nấu ăn giỏi nhất tại một nhà hàng và tất nhiên người đó có thể đào tạo ra nhiều người nấu ăn giỏi như mình. Nhưng ông ấy chỉ giỏi vài món thôi, còn ẩm thực đa dạng vô cùng. Vậy thì ông này là tổ hay ông bên cạnh nấu món khác mới là tổ. Nó vi phạm câu chuyện đa dạng văn hóa”.
Trong khi đó, GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, đưa ý kiến nếu chưa có bằng chứng thuyết phục thì không nên có một ông tổ thờ của nghề bếp vội. Điều quan trọng hơn là các kế hoạch phát triển món ăn, hoàn thiện các sản phẩm du lịch ẩm thực. “Du lịch cứ làm du lịch, không việc gì phải tìm ra một ông tổ thờ”, ông Lý nói.
Theo TNO