Người Việt trẻ ở Mỹ biến khu Little Sài Gòn thành 'thánh địa ẩm thực'

Thứ sáu, 08/12/2017 09:52
0
0
Thế hệ Việt kiều thứ hai và thậm chí trẻ hơn tại Mỹ đang biến khu Little Sài Gòn thành một trung tâm ẩm thực nức tiếng của nam California.


Sonny Nguyễn, 38 tuổi, đồng sáng lập chuỗi 7 Leaves Cafe nằm trên phố Garden Grove, thuộc khu Little Sài Gòn, quận Cam, bang California, Mỹ. Ảnh: Los Angeles Times.

Một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của Sonny Nguyễn là được cha mẹ dẫn đi ăn nhà hàng ở khu Little Sài Gòn, quận Cam, bang California.

"Cả nhà ra ngoài ăn tối mỗi tháng một lần và lần nào cũng tại một tiệm phở", anh Sonny 38 tuổi nhớ lại. "Nó in đậm trong tâm trí tôi như một trải nghiệm xa xỉ".

Hàng chục năm trôi qua, anh Sonny chứng kiến Little Sài Gòn "thay da đổi thịt", từ một khu tập trung một vài nhà hàng kiểu gia đình "với rất ít sự lựa chọn" thành một nơi mà Sonny miêu tả là "thánh địa ẩm thực" của vùng nam California, Los Angeles Times ngày 29/11 đưa tin.

Little Sài Gòn giờ đây ồn ào và náo nhiệt với những cửa tiệm bán đồ tráng miệng và đồ uống được chế biến tinh tế. Những nhà hàng pha trộn phong cách ẩm thực đa văn hóa nức tiếng khắp vùng nhờ sức mạnh truyền miệng qua các trang mạng xã hội. Khách hàng có thể tìm thấy ở Little Sài Gòn quẩy churro của Tây Ban Nha, bánh rán kiểu Mỹ nhân kem mát lạnh, cho đến tách trà phủ kẹo bông hay bánh taco truyền thống kiểu Mexico nhưng với hương vị đặc trưng châu Á.

"Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi", Sonny nhận xét. Bản thân Sonny cũng góp phần vào sự thay đổi này. Anh là đồng chủ sở hữu chuỗi cửa hàng đồ uống 7 Leaves Cafe nổi tiếng với các loại trà châu Á như trà sữa vị khoai môn, trà xanh Nhật Bản và trà đậu đỏ Hàn Quốc.

"Chính thế hệ người Việt Nam thứ hai, thậm chí thứ ba, tạo ra sự thay đổi mà anh đang thấy ở Little Sài Gòn. Họ chắt lọc những điều tinh túy và gia giảm khiến cho những điều đó trở nên tuyệt vời hơn", Sonny nói.

Theo cô Linda Trịnh Võ, giáo sư nghiên cứu văn hóa của người Mỹ gốc châu Á, cho rằng Little Sài Gòn giờ không còn là khu vực co cụm của những người Việt di cư đến Mỹ, không thông thạo tiếng Anh.

"Little Sài Gòn đang trở thành một nơi thu hút thực khách, doanh nghiệp, thế hệ những người Việt trẻ và cả những người không phải là gốc Việt. Nơi đây đang được biết tới như là địa điểm của những sáng tạo ẩm thực", giáo sư Linda nói.

Little Sài Gòn, tập trung người Việt Nam di cư sau năm 1975, ban đầu chỉ có một vài nhà hàng và cửa tiệm kiểu gia đình. Các nhà hàng chuyên tâm nấu các món ăn đậm chất Việt Nam và chỉ nhắm đến đối tượng thực khách là người Việt mới nhập cư lúc nào cũng nhớ món ăn quê nhà.

Theo giáo sư Linda, ngày nay, thế hệ người Việt thứ hai đứng lên làm chủ các nhà hàng ở Little Sài Gòn áp dụng chiến lược kinh doanh khác. Họ lưu giữ các hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt rồi sáng tạo bằng cách hòa quyện chúng với ẩm thực của vùng nam California.

"Thế hệ này lớn lên trong môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc nên họ được trải nghiệm sự đa dạng ẩm thực. Và chính điều đã mở rộng vị giác của họ", cô Linda nhận xét.

Tại quán 7 Leaves Cafe, anh Sonny giới thiệu thức uống bán chạy nhất là cà-phê sữa đá kiểu Việt Nam phiên bản biến tấu có kèm kem tươi, gần giống cà-phê trộn bằng máy xay sinh tố với đá bào và các nguyên liệu khác được người Mỹ gọi là Frappuccino.

Tương tự, Andy Nguyễn, chủ của chuỗi cửa hàng kem Afters Ice Cream, cho biết anh lấy cảm hứng từ trà hoa nhài mà thời thơ ấu anh hay uống để sáng tạo ra kem vị hoa nhài.

Trong khi đó, Hop Phạm, đồng sáng lập nhà hàng Dos Chinos, kể rằng anh sáng tạo thực đơn pha trộn giữa ẩm thực Việt Nam và Mexico dựa trên ký ức thời thơ ấu sống ở vùng Santa Ana và nhờ những người bạn Mỹ gốc Mexico.

"Lũ bạn đưa cho tôi thử món cây xương rồng, tôi nghĩ trong bụng 'Cái gì thế này. Làm sao có thể ăn thứ đầy gai nhọn này?' nhưng hóa ra món đó cực ngon", anh Hop nhớ lại. "Và khi bạn tôi giới thiệu quả bơ ăn với muối, tôi đã ngạc nhiên kiểu 'Quả bơ ăn mà ăn kèm với muối á?' Bởi vì người Việt Nam hay ăn quả bơ với đường, vậy nên, món đó hoàn toàn trái ngược với thứ tôi thường ăn".

Nhờ những người bạn gốc Mexico, nhờ sự giao thoa văn hóa và nhờ những kỷ niệm đẹp về tình bạn thời thơ ấu, anh Hop đã nảy ra ý tưởng mở nhà hàng pha trộn các món ăn Việt Nam với Mexico. Trên menu của Dos Chinos, thực khách dễ dàng tìm thấy món bánh taco truyền thống của Mexico nhưng nhân bên trong hoàn toàn được chế biến theo kiểu Việt Nam.


Andy Nguyễn (áo đen), chủ của chuỗi cửa hàng kem Afters Ice Cream. Ảnh: Los Angeles Times.

Ngành công nghiệp ẩm thực ở Little Sài Gòn trong 5 năm gần đây phát triển bùng nổ nhờ làn sóng những người Việt trẻ nhiệt huyết. Nhiều người bỏ nghề dược, luật, ngân hàng và công nghệ để về đây đầu tư mở nhà hàng, theo Tam Nguyễn, cựu chủ tịch của phòng thương mại người Mỹ gốc Việt ở quận Cam.

Anh Tam cho biết dù người Việt sinh sống và làm ăn rải rác khắp quận Cam, nhiều chủ nhà hàng trẻ vẫn đổ về Little Sài Gòn để khởi nhiệp vì nhiều lý do. Thứ nhất, giá thuê mặt bằng ở khu vực này rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của quận. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn họ hàng, gia đình hoặc bạn bè đang sinh sống gần đây, những người sẵn lòng giúp đỡ họ khi cần kíp. Và quan trọng hơn cả, theo anh Tam, "một nhà hàng Việt trước hết phải thành công ở một nơi chuẩn vị Việt".

Little Sài Gòn chuyển mình thành một trung tâm ẩm thực sầm uất cũng là mơ ước của những người Việt trẻ muốn "nơi đây tiếp tục là khu thu hút các hoạt động văn hóa, ẩm thực" dành cho các thế hệ kế tiếp, anh Sonny chia sẻ.

"Giờ đây, chúng tôi đã làm bố, làm mẹ. Con cái của chúng tôi sinh ra ở đây. Chúng tôi muốn bọn trẻ thấy Little Sài Gòn hấp dẫn y như cảm nhận của chúng tôi hồi xưa vậy", Sonny nói.

Các nhà hàng mới "mọc lên như nấm" cũng khiến đối tượng thực khách đến Little Sài Gòn đa dạng hơn, không chỉ có người gốc châu Á mà rất nhiều người bản địa trở thành khách hàng thường xuyên ở đây.

"Phải đến 80 - 90% khách hàng của chúng tôi không phải là người Á", Loan Nguyễn, chủ chuỗi The Loop, nổi tiếng với món quẩy churro kiểu Tây Ban Nha được biến tấu đa dạng.

"Little Sài Gòn đã thay đổi khẩu vị của quận Cam... Mới chỉ 5 năm trước, chẳng ai biết 'bánh mì' nghĩa là gì?", giáo sư Linda nhận xét.

Theo VNE

0
0

độc giả bình chọn

Chất lượng món ăn3.0
Giá cả3.0
Cung cách phục vụ3.0
Vệ sinh an toàn thực phẩm 3.0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG