Hà thành thú vị là thế đấy! Cà phê vỉa hè - ‘đặc sản’ của một đô thị đang trong quá trình sinh dưỡng với cả những lộn xộn của công cuộc giao thoa cũ-mới, Đông-Tây đã trở thành một ‘không gian văn hóa’.
Gã trung niên với nước da ngăm đen ngồi tựa lưng vào bức tường vàng tróc sơn, loang lổ, ố màu thời gian tại một quán cà phê cũ kỹ trên con phố Triệu Việt Vương (Hà Nội). Thi thoảng, gã nhấp một ngụm cà phê sánh đậm, rồi rít một hơi thuốc lá, từ từ nhả khói. Đôi mắt gã mơ màng, chậm rãi nhìn dòng xe cộ di chuyển trước mặt qua làn khói thuốc.
Đôi lúc, gã bỗng rướn người lên rồi bất ngờ thả lỏng, để đôi vai đập vào bức tường phía sau. Có vẻ như, gã đang cố nén tiếng thở dài…
Đi nhanh, sống chậm
Sau một thoáng ngạc nhiên vì bỗng dưng có người khách lạ bất ngờ bắt chuyện, gã trung niên (sống ở phố Lò Đúc, Hà Nội) ấy bảo: “Ồ, tôi có nghĩ gì đâu nhỉ? Không lẽ, nhìn mặt tôi căng thẳng đến thế ư?”
Nói rồi, Thành Trung - tên gã trung niên, cười phá lên. Trung bảo, mỗi ngày của gã đều bắt đầu bằng một cữ cà phê, mà phải là cà phê vỉa hè - không nến, không hoa, không ánh đèn nhấp nháy hay tiếng nhạc cầu kỳ…
Với gã, “đi cà phê” không chỉ là để thưởng thức hương vị của loại thức uống đặc biệt này, mà còn để tận hưởng cảm giác thư thái, ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Nói khác đi, đó là cách để gã tạm tách mình khỏi những ràng buộc lỉnh kỉnh của các mối quan hệ, để đầu óc trống rỗng, cơ thể được thả lỏng, chuẩn bị cho những ngược xuôi bươn chải của cuộc sống thường nhật.
Nếu thích hít thở không khí thoáng đãng, gã sẽ đến cà phê vỉa hè Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt... Hôm nào thích đông vui, nhộn nhịp, Đông - Tây hội ngộ, gã sẽ đến “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện. Khi muốn kiếm tìm lại hương vị cà phê truyền thống, Trung sẽ ghé qua phố Hàng Hành, Hàng Gai… Cũng có lúc, muốn thả hồn, lặng ngắm sự đồng hiện của những yếu tố cũ-mới trong đời sống đô thị, ngẫm ngợi về sự chảy trôi của thời gian, Trung sẽ tìm đến những quán cà phê vỉa hè trên phố Triệu Việt Vương…
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
“Tin tôi đi, với những kẻ thường xuyên lang thang cà phê vỉa hè Hà Nội, bên cạnh việc ‘nghiện’ loại đồ uống này, hay đơn giản chỉ là để tỉnh táo hơn trước giờ làm thì còn một lý do rất quan trọng là: coi đây như một thú vui, một thói quen hàng ngày,” Trung quả quyết.
Lắng lại chừng vài phút, gã trung niên tự nhận mình là tín đồ của cà phê vỉa hè ấy hào hứng bảo: “Này nhé, chỉ cần bỏ ra khoảng hai chục ngàn đồng (hoặc hơn một chút, tùy quán), bạn có thể ngồi từ sáng đến trưa, hay thậm chí bất cứ lúc nào trong ngày. Ngồi làm gì ư? Cuộc sống này thiếu gì chuyện cần ngồi vỉa hè mà giải quyết: nào thì bàn công việc với đối tác, tán chuyện với bạn bè hay đơn thuần là mua sự tự do cho bản thân - ngồi một mình ngẫm ngợi sự đời hoặc tự cho mình những giờ phút buông bỏ mọi trách nhiệm, muộn phiền, tự cho mình cái quyền được mặc kệ mọi thứ trôi qua trước mắt, gạt sang một bên mọi hỉ - nộ - ái - ố.”
Ngoài kia, người ta có thể đi rất nhanh; nhưng khi dừng chân ở những quán cà phê là lúc con người sống chậm lại. Một anh chàng đi chiếc xe máy cà tàng có thể ái ngại nếu bước vào một quán cà phê sang trọng nhưng sẽ chẳng có chút mảy may e dè khi tạt vào một quán cà phê vỉa hè. Anh ta có thể “hiên ngang” sánh bước cùng một anh bước xuống từ chiếc xế hộp bạc tỷ khi cùng đi vào cái quán ấy.
Họa sỹ Lê Thiết Cương, gã thị dân chính hiệu, người luôn đau đáu với việc giữ hồn phố cổ bảo: “Hà thành thú vị là thế đấy! Cà phê vỉa hè - ‘đặc sản’ của một đô thị đang trong quá trình sinh dưỡng với cả những lộn xộn của công cuộc giao thoa cũ - mới, Đông - Tây đã trở thành một ‘không gian văn hóa’.”
Cà phê ở đây thường đậm vị, thơm nồng và ngấm sâu, nằm trọn trong những quán nhỏ khu biệt, thậm chí là chật chội… Thực khách cũng thường mang dáng vẻ ung dung, chậm rãi…
Cà phê ở đây thường đậm vị, thơm nồng và ngấm sâu, nằm trọn trong những quán nhỏ khu biệt, thậm chí là chật chội… Thực khách cũng thường mang dáng vẻ ung dung, chậm rãi…
Đôi khi, chỉ cần ngửi mùi thơm nồng (phảng phất chút hơi khét) tỏa ra từ ly cà phê đặc sánh đã đủ thấy đầu óc tỉnh táo, nhẹ bẫng và thư thái. Ly cà phê đen đúng chất Hà Nội xưa sẽ sóng sánh đặc - một màu đen huyền bí với những giọt cà phê bám nơi thành cốc, chậm chạp chảy xuống đáy cốc, tạo nên một cảnh tượng loang lổ… Thời gian như ngưng đọng. Khi uống, ban đầu sẽ là cảm giác đắng nơi đầu lưỡi. Vào đến cổ họng, những giọt đắng ấy ngấm sâu một cách từ từ, tạo thành vị ngọt đắng khó quên.
Nói đến cà phê vỉa hè Hà Nội, người ta không thể quên được món cà phê trứng độc đáo - loại thức uống không chỉ khiến dân Hà thành bị hút hồn mà còn làm du khách (đặc biệt là những “ông Tây, bà đầm”) mê mẩn.
Trứng được đánh bông. Cà phê sau khi lọc qua phin được đổ thẳng vào cốc, khiến cho trứng nổi lên trên. Bọt kem trứng màu vàng hòa lẫn với cà phê đen sánh tạo thành tạo thành thứ “hỗn hợp” màu vàng nâu sóng sánh. Mùi thơm, vị đắng của cà phê quyện cùng sự béo ngậy, sền sệt của kem trứng tạo thành thứ hương vị nồng đượm.
“Với kiểu cà phê ấy, sao người uống có thể vội vã? Tôi tin, chính điều này góp phần không nhỏ làm nên nét riêng cho cà phê vỉa hè Hà Nội. Nó khác với kiểu pha loãng (như một dạng đồ ăn take-away) trong những không gian rộng, có phần dàn trải ở những quán cà phê Sài Gòn,” gã họa sỹ vốn nổi tiếng cả về tài và độ “dị” ấy nói.
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
Khi cà phê không chỉ là những giọt đắng
Dân nghiền cà phê ở Hà Nội vẫn truyền tai nhau câu chuyện về sự du nhập của cà phê vào đời sống thị dân nơi đây, để dần dần, việc uống cà phê trở thành một thói quen và hiện diện như một nét văn hóa độc đáo trong nhịp sống đương đại. Người Hà Nội bắt đầu uống cà phê từ thời Pháp thuộc.
Phía sau đó là cả một dòng chảy nối dài liên tục về những phận đời, kiếp người với cả nước mắt - nụ cười, hạnh phúc - khổ đau, sum họp - biệt ly, sự hình thành - lớn mạnh và mai một dần của một số thương hiệu cà phê gia đình…
Chính những câu chuyện ấy đã làm nên trạng thái sống, sự sâu lắng cho cà phê vỉa hè Hà Nội. Nếu không có những câu chuyện, con người ấy thì đó cũng chỉ đơn thuần là những quán xá với những vỉa hè, bàn ghế, cốc chén… vô hồn như bao quán xá khác.
Lịch sử cà phê vỉa hè cũng là một phần sinh động của lịch sử phố phường nơi đây. Nửa đầu thế kỷ 20, khi người Pháp bắt đầu quy hoạch những khu kiến trúc Pháp đầu tiên, trong xã hội Việt đã hình thành một tầng lớp viên chức, thị dân bản xứ thì cũng là lúc bắt đầu xuất hiện những tiệm cà phê đầu tiên.
Theo thời gian, loại đồ uống đầy xa lạ này dần trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống thị dân Hà Nội, mà như Nguyễn Việt Hà - một gương mặt nổi bật của văn chương đương đại đã viết: “Bọn trung niên thập thành của phố đã quen chống lạnh bằng cữ cà phê sáng. Nói như gã thi sỹ gầy gò phố Hàng Bún, khách nghiện ‘nâu trứng’ ở cà phê Giảng Hàng Gai, thiếu gái còn chịu được chứ không thiếu được cà phê. Một thành phố rêu phong đáng trọng phải là một thành phố có vài hiệu sách cũ, nơi đám sinh viên trong trắng lê la ngồi đọc ‘cọp.’ Phải có những gánh hàng rong vỉa hè mẹ truyền con nối, chiều muộn đông nghịt chị em xúm xít ăn. Và đương nhiên phải có những quán cà phê luôn thấp thoáng những bóng trung niên con đẻ của thị thành mặc vét, nhẩn nha nhả khói.”
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
Cà phê - “mùi đời”
“Hồn” là vậy, còn “xác” thì sao? Ở Hà Nội, mỗi quán một kiểu thiết kế (hiện đại xen lẫn cổ điển, sang trọng nằm cạnh bình dân, “bụi bặm” sát bên hoa lệ…), mỗi quán một chất (từ hương vị đến chỗ ngồi).
Cà phê vỉa hè đậm… “mùi đời!” Vỉa hè được tận dụng tối đa. Những hàng ghế ken đặc vào nhau, người ngồi san sát. Ở đó, người ta thoải mái nói cười mà chẳng mấy bận tâm đến âm lượng to nhỏ, thản nhiên nhả khói thuốc mà ít khi phải để ý xem, mình có đang làm phiền người xung quanh không. Khách của những quán cà phê vỉa hè cũng thật đa dạng: từ thanh niên đến trung niên, người cao tuổi. Ở đó, có cả phụ nữ, đàn ông; học sinh, sinh viên, dân công sở lẫn kẻ thất nghiệp…
Có thể hình dung những quán cà phê vỉa hè như những sàn diễn thời trang thu nhỏ với đủ mọi phong cách, kiểu dáng trang phục.
Có thể hình dung những quán cà phê vỉa hè như những sàn diễn thời trang thu nhỏ với đủ mọi phong cách, kiểu dáng trang phục: góc này là một chị ăn mặc rất điệu đà, váy áo thướt tha, đôi mắt mơ màng nhìn đường phố; góc kia lại là một anh ăn mặc đầy bụi bặm - quần dằn di, áo in hình đại bàng, hợp “tông” với những hình xăm trổ to trên cánh tay và đôi mắt gườm gườm; hay ở một góc khác lại là một nhóm thanh niên ăn mặc trẻ trung với áo phông, quần bò mài…
Ồn ào, chật chội… Ấy vậy mà hầu như chẳng thấy ai kêu ca, than phiền về điều ấy. Họ vẫn mặc nhiên nói chuyện hay mải miết lướt điện thoại, máy tính bảng bên trên những chiếc ghế nhựa màu xanh, đỏ, những chiếc ghế mây đơn sơ hay cầu kỳ hơn là những chiếc ghế gỗ…
Thế kỷ trước, nhắc đến cà phê Hà Nội, ta không thể bỏ qua những cái tên như: Nhân, Nhĩ, Dĩ, Giảng, Năng… Ngày nay, dẫu không hẳn là câu chuyện “vang bóng một thời” nhưng những quán ấy cũng rẽ đôi ba nhánh, cư ngụ ở những con phố tấp nập của Thủ đô.
Đồng thời, những nơi ấy cũng thường chỉ còn là sự lựa chọn của một nhóm nhỏ thực khách - thường là trung niên cần tìm sự tĩnh lặng, nhâm nhi ly cà phê đậm-đắng-thơm và đôi khi là cả mùi khét rất đặc trưng với sự hoài niệm về quá khứ…
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
Nhiều quán cà phê theo phong cách hoài cổ mọc lên như nấm sau mưa; nhưng sao có thể thay được những Đinh, Lâm, Nhĩ, Giảng… Những góc quán ấy, là hiện thân của lịch sử cà phê Hà Nội. Mùi ẩm mốc, vẻ cũ kỹ với những bức tường loang lổ, tróc sơn, thậm chí vẻ uể oải, già nua trong phong cách phục vụ… đã ăn sâu vào tâm thức những kẻ nghiện cà phê phố cổ.
Giữa sự tấp nập, ồn ã của nhịp sống đương đại, chúng hiện hữu với vẻ trầm mặc, đầy suy tưởng, chiêm nghiệm như những bức tranh phố Phái. Ánh sáng từ những bóng đèn đỏ giản đơn, những bức ảnh đen trắng, những bức họa 36 phố phường được lồng trong những chiếc khung gỗ giản dị… khiến những nơi ấy như “lạc nhịp” giữa những âm điệu rộn rã của phố phường.
Mùi ẩm mốc, vẻ cũ kỹ với những bức tường loang lổ, tróc sơn, thậm chí vẻ uể oải, già nua trong phong cách phục vụ… đã ăn sâu vào tâm thức những kẻ nghiện cà phê phố cổ.
“Những gã bạn tôi nguyện thủy chung với cà phê Đinh ngoài việc mê hương vị cà phê trứng thì còn có một lý do nữa: tiếc nuối, say mê cái cầu thang cũ kỹ, tối om dẫn lên ban công chật chội nhìn ra Bờ Hồ. Mới nghe thì thấy lãng nhách, nửa mùa lắm đúng không? Nhưng đó mới là cái phần sâu lắng của cà phê Hà Nội, sự góc cạnh của những kẻ vẫn vênh vang hiểu biết về phố phường Hà Nội,” Thành Trung nói, rồi gã nháy mắt đầy tinh quái.
Ngày nay, cà phê được pha chế theo nhiều vị cầu kỳ. Thế nhưng, với dân cà phê vỉa hè thì yêu cầu cũng đơn giản hơn, thường chỉ gói gọn trong “nâu” hoặc “đen.” Thậm chí, các quán cà phê vỉa hè còn kiêm luôn chức năng quán giải khát với việc phục vụ những thứ đồ uống khác như nước cam, nước chanh…
“Lý do cũng đơn giản thôi mà! Khách đến quán cà phê không phải ai cũng thích uống cà phê. Họ đến chỉ vì muốn hưởng cái không khí phố phường, quán xá hay muốn tìm một chỗ để ngồi, để ‘chém gió.’ Cũng có khi, họ đi cùng những người thích cà phê nhưng lại không nỡ ép bản thân theo cái sở thích của người khác… Vậy là, họ gọi một cốc nước hoa quả, một đĩa hướng dương… Có cầu thì có cung thôi,” chị Thu Hòa, chủ một quán cà phê vỉa hè trên phố Lý Thường Kiệt vui vẻ nói./.
(Ảnh: Lê Minh Sơn/VietnamPlus)
Theo Phương Mai - Minh Sơn
Published in VietnamPlus