Ẩm thực – một nét di sản tinh tế được hình thành trong dòng chảy hàng ngàn năm văn hóa Việt Nam đã góp phần làm say lòng bao du khách, bạn bè quốc tế. Ngày càng nhiều món ăn Việt Nam được quốc tế tôn vinh.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải hành động để đưa di sản ẩm thực đang âm thầm chảy trong lòng dân tộc thành tài sản để phát triển, bảo tồn, kỳ vọng biến Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới”.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chúng tôi xin trích giới thiệu chùm hai bài viết tôn vinh ẩm thực Việt Nam và những ý tưởng, hành động để biến di sản ẩm thực thành tài sản, mang lại nguồn lợi cho nhân dân, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Mỗi phở gia truyền đều có một bí quyết.
Trong bối cảnh phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay, những yếu tố thuộc về bản sắc riêng của mỗi dân tộc được coi là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia. Văn hóa của mỗi quốc gia luôn có những bản sắc riêng. Trong văn hóa Việt Nam, ẩm thực chiếm giữ một vị trí quan trọng, là một phần bản sắc Việt Nam.
Thật đáng mừng là cùng với nhiều giá trị văn hóa giàu bản sắc khác, ẩm thực Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến và tôn vinh.
Góp phần định vị hình ảnh đất nước
Nói đến Việt Nam, chắc chắn nhiều người nước ngoài biết đến phở. Đây cũng được coi là món ăn đầu tiên của Việt Nam được quốc tế biết đến và vinh danh. Phở được giới thiệu trang trọng trên nhiều tạp chí ẩm thực thế giới, có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng cao cấp nhất. Vào năm 2011, Hãng CNN danh tiếng đã bình chọn phở đứng vị trí thứ 28/50 món ăn ngon nhất thế giới…
Tiếp đến, năm 2013, trang Bussiness Insider đã xếp phở của Việt Nam đứng thứ nhất trong top 40 món ăn du khách nên thử một lần trong đời. Trên tạp chí The Huffing Post, du khách nước ngoài còn dùng mĩ từ đặc biệt cho phở – món ăn của thiên đường”…
Tiếp theo phở, người Việt Nam có quyền tự hào khi càng ngày có nhiều món ăn, thức uống khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam được tôn vinh trên thế giới. Đó là bún chả, chả giò, gỏi cuốn, bún bò Huế, bánh mì kẹp thịt, bánh xèo, bún riêu cua, bún thang, cà phê trứng… Cùng với phở, bún chả là một trong những món ăn được báo nước ngoài ca ngợi và được nhiều du khách trên thế giới biết đến. Bún chả nằm trong danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới năm 2014 của trang National Geographic.
Bún chả có lẽ càng nổi tiếng hơn khi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thoải mái ăn bún chả ở một quán nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 được phát triên toàn thế giới. Ngay sau đó, quán bún chả này luôn đông nghẹt khách, phục vụ không xuể, nhiều khách đi theo đoàn muốn ăn phải đặt chỗ trước khá lâu. Đặc biệt hơn là khách đến quán sẽ gọi “suất Obama” như Tổng thống Hoa Kỳ đã ăn…
Tại Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cùng đầu bếp nổi tiếng người Australia gốc Việt Luke Nguyen thưởng thức bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè ở Đà Nẵng. Thủ tướng Malcolm nói rằng ông thực sự thích vị tươi mới trong những món ăn Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thoải mái ăn bún chả ở một quán nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.
Không chỉ món ăn mà một số điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng được vinh danh vì nhiều món ẩm thực hấp dẫn thực khách quốc tế. Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới. Kênh CNN chuyên mục du lịch cũng đã đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là “kinh đô của ẩm thực Việt Nam”; đồng thời là thành phố trong nhóm 23 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.
Những gian hàng ẩm thực Việt Nam tại các Festival quảng bá văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo thực khách bản xứ và quốc tế thưởng thức…
Hội tụ đủ “chân – thiện – mỹ”
Nói về ẩm thực, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định: Việt Nam là đất nước đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S nên văn hóa đa dạng, phong phú. Những yếu tố về thiên nhiên, địa hình với đường bờ biển kéo dài cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển ẩm thực, đây là điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được.
Cố Giáo sư Trần Văn Khê khi còn sống đã chia sẻ rằng ông đã có cơ hội đi tới hơn 60 quốc gia và thấy mỗi nước có hương vị ẩm thực riêng, ẩm thực Việt thật sự có những điểm độc đáo, khác lạ. Theo Giáo sư, người Việt ăn toàn diện, không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi mà bằng ngũ quan. Đã ăn thì mắt phải nhìn thấy màu sắc món ăn, cách trình bày món ăn đẹp, răng phải chạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn.
Người Việt ăn uống cũng rất đa vị. Thông thường món ăn Việt Nam có 5 vị chính: ngọt, mặn, chua, cay, béo; có cả ngũ sắc: đen (tương), đỏ (ớt), xanh (rau), vàng (khế chín), trắng (bánh tráng, bún). Ăn một miếng mà mắt thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi còn hơn thế nữa…
Phở – món ăn đậm đà bản sắc của Việt Nam.
Ẩm thực Việt phong phú, đa dạng và hội tụ những nét tinh tế riêng biệt thông qua cách thức chọn lựa nguyên liệu, chế biến, bày biện và thưởng thức. Món ăn Việt Nam ở bất kỳ vùng miền, dân tộc nào cũng mang đầy đủ các yếu tố: ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng, dễ chế biến, gần gũi với thiên nhiên và ai cũng có thể thưởng thức được…Không quá lời khi nói rằng: Ẩm thực Việt Nam hội đủ các yếu tố “chân, thiện, mỹ”.
Món ăn Việt hầu hết được chế biến từ các loại rau, củ, quả, hạt, thủy, hải sản, và không quá nhiều thịt như món Âu, ít dầu mỡ hơn các món Trung, không cay như món ăn Thái… Độ ngon của món ăn đều xuất phát từ cách chế biến, chủ yếu là luộc, hấp, nấu, nướng hoặc ăn tươi sống để giữ được hương vị tự nhiên.
Người Việt cũng thường dùng các gia vị như gừng, nghệ, hành, tỏi, sả và các loại rau thơm… chứ không dùng gia vị khô hoặc qua chế biến. Quan trọng hơn cả đó chính là nghệ thuật bày trí và kết hợp gia vị thì hài hòa và có nước chấm riêng rất đặc trưng và rất nhiều nguyên liệu, gia vị trong món ăn của Việt Nam là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh.
Với những thực phẩm có sẵn ở Việt Nam, qua bàn tay các đầu bếp Việt có thể trở thành những món ăn rất ngon, đặc sắc, vừa đẹp, thơm ngon lại đầy đủ dưỡng chất dù chỉ nhìn mắt thường vẫn nhận ra được.
Người Việt cũng thường dùng các gia vị như gừng, nghệ, hành, tỏi, sả và các loại rau thơm…
Thậm chí, những món ăn nước ngoài khi du nhập vào nước ta cũng sẽ được biến tấu cho hợp với khẩu vị, mang đậm bản sắc Việt. Điều làm nên nét khác biệt chính sự cân bằng âm – dương, chua – cay – mặn – ngọt hài hòa, truyền tải trọn vẹn hương vị tự nhiên, cân bằng giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng địa phương.
Bên cạnh sự phong phú về món ăn, người Việt có cách thưởng thức cũng hết sức tinh tế, thể hiện rõ nét cốt cách văn hóa, thưởng thức ẩm thực Đây cũng là cái hồn tạo nên nét riêng, nét hấp dẫn đặc biệt của văn hóa ẩm thực Việt Nam…
Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã được thế giới công nhận song chủ nhân của di sản chưa thực sự chưa chú tâm lắm đến công tác quảng bá, chưa khai thác được hết những giá trị đặc sắc của ẩm thực như một tài sản quốc gia. Đó là điểm mà ngành du lịch cũng như những người yêu thích ẩm thực Việt, muốn đưa ẩm thực Việt ra thế giới cần nghiên cứu và hành động bằng cả tâm huyết và trách nhiệm…
Theo Thanh Giang / Thethaovanhoa