Giai đoạn trước ngày tranh tài tại vòng bán kết, các đầu bếp sống trong nhiều cảm xúc đan xen. Ai cũng tâm huyết, muốn dành cho món ăn những gì độc đáo nhất, xứng đáng là món ăn vàng...
1. Thanh âm ghita kèm theo giọng bolero trầm ấm vang lên tại khu vực dành cho những cổ động viên đang cổ vũ cho các đầu bếp ngày thi thứ 2, bán kết Chiếc Thìa Vàng khu vực phía Nam. Loang loáng những khuôn mặt quen thuộc, là những đầu bếp chỉ mới ngày hôm qua còn căng thẳng với dao, thớt, chảo... Bất ngờ hơn, người ôm đàn là Nguyễn Duy Kha, đầu bếp đội 62 (Khu du lịch Mỹ Lệ - Bình Phước). Hiểu được cảm giác căng thẳng không chỉ của các đầu bếp đang chạy đua với thời gian 120 phút để nấu các món ăn vàng, mà ngay cả cổ động viên cũng vậy, nên anh góp vui vài bản nhạc.
Đầu bếp đội khách sạn Mỹ Lệ biểu diễn ghi ta cổ vũ
Tới TP.HCM trước ngày thi một ngày, anh cùng hai thành viên của đội điều nghiên khá kỹ chén dĩa để trình bày bàn tiệc. Duy Kha cho biết, để có những món ăn vàng thi tài, cả đội đã chuẩn bị cả tháng trời, trong đó đội trưởng Nguyễn Phương Bình phải lặn lội vào sóc Bom Bo, cuốc bộ 3 giờ mới tìm được những loại gia vị lạ dùng cho món ăn, như: lá crát, cây crak làng, cà nút áo... “Là món ăn vàng nên phải chịu cực một chút, cũng là dịp để giới thiệu về những món ăn và gia vị quý của quê nhà”, đầu bếp đến từ Bình Phước quệt mồ hôi và nói.
2. Chung tâm sự đó, các đầu bếp Nhà hàng Ánh Dương (Kon Tum) thậm chí còn xuống trước đó một ngày. Lỉnh kỉnh nào thịt, cá mà đặc biệt là các loại rau rừng tươi. Dù đã đóng thùng cẩn thận nhưng suốt hành trình hơn 8 giờ đồng hồ trên xe, họ không thể nào chợp mắt. Đầu bếp Quang Thanh kể, vừa xuống tới nơi chưa kịp rửa mặt đã phải khui thùng ra kiểm tra. Lo nhất là đặc sản thịt heo làng, phải hai ngày nữa mới thi nên để thịt tươi, phải vô đá liên tục nhưng cẩn thận không cho thịt dính nước.
Để có một bàn tiệc ấn tượng, ba đầu bếp tự tay đan ngôi nhà rông mini, làm cây nêu cầu mùa màng để trang trí. Tuy nhiên, do ưu tiên cho thực phẩm và rau rừng, họ không thể mang thêm hoa cũng như dao, nĩa và ly... Vậy lại phải lục tục đi chợ. Lần đầu xuống Sài Gòn, đường sá không quen, chỉ nghe danh chợ Bến Thành nên các đầu bếp đón xe ôm từ Bình Thạnh chạy tới. Chưa kịp mua đồ, bài học đầu tiên mà các đầu bếp học được sau khi phải trả “học phí” 500 ngàn đồng là trước khi ăn phải hỏi giá cơm. Vậy mà cũng không tìm được đồ cần mua. Tiu nghỉu đến nghe phổ biến nội quy thi, đội trưởng Đức Hoàng lân la hỏi ban tổ chức nên đi chợ hay siêu thị nào gần...
Các đầu bếp Nhà hàng Ánh Dương - Kon Tum đến cuộc thi với nhiều nhiệt huyết và tấm lòng với món ăn quê nhà.
Đức Hoàng cho biết, do từng ngồi ghế giám khảo chấm các món ngon làm từ mây rừng tại quê nhà Kon Tum. Thấy thú vị với những món ăn độc đáo của người Gia Rai, đầu bếp trẻ quyết định mang mây rừng tham gia vòng bán kết phía Nam - cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015, với món ăn vàng mang tên Hương rừng: mây đắng Gia Rai - rau dớn xào tỏi – nộm tơ chuối rừng. Đó là cách Đức Hoàng quảng bá đặc sản địa phương tại sân chơi tầm cỡ quốc gia này. Dù phải “đấu” với các đội mạnh từ các khách sạn bốn - năm sao, và một số biên tập viên truyền hình ái ngại là các món mây trước đó đã có đội thi, nhưng Đức Hoàng vẫn tự tin món “mây vàng” của mình...
3. Từ Cần Thơ, các đầu bếp Quán Nhi thuê xe riêng, “hành quân” lên Sài Gòn với bầu đoàn thê tử rầm rộ. Hành trang của họ là những sản vật từ ruộng đồng, với câu chuyện món ăn gắn liền với những kỷ niệm thời khẩn hoang. Được các thành viên ban tổ chức nhiệt tình tạo điều kiện, chỉ dẫn nơi ăn chốn ở chu tất nhưng khí hậu Sài Gòn lại không ủng hộ các đầu bếp Tây Đô. Đầu bếp Phan Thị Hồng Nhi mếu máo, 10 ký ếch đồng chính hiệu tích góp mang đi thi, trong một ngày đã chết quá nửa. Mớ điên điển, búp chuối vườn cũng ủ rũ dù được “ở” phòng máy lạnh. Vậy là cầm “phôn”, lục tìm xem bạn bè người quen hỏi nơi bán những loại bông này.
Đầu bếp Hồng Nhi hào hứng kể với ban giám khảo về những món ăn ký ức của mình.
Gặp chị Nhi cùng những người con của chị trong bữa ăn khuya. Người phụ nữ nổi tiếng rôm sả và say chuyện khi ai đó khơi gợi các món ăn miệt vườn, chia sẻ may là đã sắp đặt kế hoạch đâu vào đấy. 4h30 phút sáng, đứa cháu họ sẽ đón xe ôm ra chợ Bến Thành mua các loại rau, bông bổ sung. Còn ba mẹ con chị sẽ tới chỗ thi lúc 5 giờ 30. Chị bộc bạch, Chiếc Thìa Vàng là cơ hội lớn, và cũng là động lực để chị tìm về những món ăn xưa cũ. Đó là những món ăn linh hoạt của thời khẩn hoang với bao khó khăn. Đó là món dưa tuối tơ, vịt trời (le le) nướng ống tre, ếch nấu nghệ ăn kèm với bún... “Biết rằng sẽ thi tài với các đầu bếp nhiều khách sạn hay nhà hàng lớn, tuy nhiên giải thưởng lớn nhất đối với chị là giới thiệu những món ăn tuổi thơ tới đông đảo ban giám khảo và thực khách”.
4. Mới hơn 4 giờ sáng, các đầu bếp Nhà hàng tiệc cưới Thắng Lợi (An Giang) đã có mặt tại cổng Khu du lịch Văn Thánh (dù phải ba giờ nữa mới đến giờ thi). Khu du lịch chưa mở cửa, ba đầu bếp thấp thỏm đợi chờ. Kinh nghiệm từ buổi chiều hôm trước khi đến nghe phổ biến nội quy và bị kẹt xe, họ thà đến sớm hơn một chút. Tuy nhiên lý do chính, theo đầu bếp Võ Kim Sang, anh và các đồng đội quá hồi hộp, chỉ chợp mắt được vài tiếng là tỉnh. Vậy là phân công nhau, người bó lại mớ rau, người thay nước cho mớ chạch lấu, kiểm tra lại coi còn thiếu thứ gì... Anh Sang cho biết, vì đây là những món ăn vàng nên phải đặt nhiều tâm huyết. Khó khăn hơn vòng thi trước đó là phải đi quãng đường xa hơn nên phải bảo quản nguyên liệu kỹ hơn. Ở vòng thi này, đội của anh mang tới nhiều món ăn độc đáo, trong đó nổi bật là món cá chạch lấu hấp cà ti mắm.
Đầu bếp Trần Cường Thịnh (Nhà hàng tiệc cưới Thảo Ngoan – Đồng Nai) cũng có một đêm không ngủ để chuẩn bị món cho bán kết. Thực đơn thi tài đợt này được anh đầu tư khá chỉn chu: Súp bí hương ngò ăn kèm túi củ ấu – Chả ếch hấp ly ăn kèm bánh sốt hoa riềng; Cá hồi nướng đá sốt cà ri xanh; Gà nấu mãng cầu ăn kèm hủ tíu củ tróc muối tiêu ớt; Panacotta lá me. Trong đó, món panacotta lá me tráng miệng được chuẩn bị trước, miệt mài làm tới nửa đêm thì gặp sự cố: thiếu lá me. Biết rõ nếu không tiếp tục tục thì sáng mai sẽ không kịp, anh quyết định dắt xe chạy đi tìm lá me ngay trong cữ khuya khoắt. Khi bánh kem đã được cho vào lọ bé xinh, điểm một bông hoa cho thêm phần quyến rũ thì cũng là lúc đến giờ cả đội khởi hành...
5. Giai đoạn trước ngày tranh tài tại vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng 2015, các đầu bếp sống trong nhiều cảm xúc đan xen: lo lắng, hồi hộp nhưng cũng đầy phấn khích, quyết tâm. Ai cũng tâm huyết, muốn dành cho món ăn những gì độc đáo nhất để xứng đáng là món ăn vàng. Nhiều người trong số họ rà soát lại kỷ niệm, tìm về những món ăn tuổi thơ, những loại hoa, lá trái gia vị đặc trưng của quê nhà. Khi nhớ ra những món ăn ưng ý có người lập tức lên đường tìm kiếm hoặc người bận rộn hơn thì “nhờ quyền trợ giúp” là gọi điện thoại cho người thân gửi đồ vào. Đầu bếp Nguyễn Kim Cương (khu du lịch Bình Quới 2) là trường hợp tiêu biểu. Từ giữa tháng 9, anh bỏ ra một tuần về cao nguyên Bắc bộ đúng vào mùa trái trám đang rộ, mua về sơ chế sẵn. Chuyến đi này anh còn thu hoạch thêm được lá xương xông, hoa tam thất. Trong đó, khác với món ăn tuổi thơ, anh nâng cấp bằng việc dùng đến hai loại trám (trắng và đen) cho các món khác nhau là: gỏi trám đen và cá mú on trám trắng.
Đầu bếp Như Cường - Khách sạn Kim Đô dụng công với thực đơn làm từ trái bình bát
Đầu bếp Nguyễn Như Cường (Khách sạn Kim Đô) lại chọn trái bình bát là gia vị dẫn dắt cho tất cả món ăn trong thực đơn. Muốn vậy anh lặn lội về An Giang để tìm. Ngặt nỗi hết mùa, gom mãi không đủ nên lại phải quày quả xuống miệt vùng ven quận 9, Thủ Đức. Nhờ dày công như vậy nên thực đơn trái bình bát với những món ăn từ khai vị đến món chính, tráng miệng đều được ban giám khảo đánh giá cao. Như Cường cho biết, công tìm là một mà công mày mò nghiên cứu để nấu là 10, bởi để làm được những món ăn đạt độ hài hoà, liên tục phải chịu cảnh thử và sai: “Lúc đầu làm hư hoài, nhưng không nản. Đầu bếp thì phải đam mê khám phá và chịu khó nghiên cứu, nấu thử lúc nào mình ăn cảm thấy ngon thì mới phục vụ khách. Không chỉ đi thi mà ngày thường cũng cần phải như vậy”.
6. Chứng kiến sự hồi hộp của các đầu bếp trước khi thi, thái độ tự tin khi đứng bếp; Gặp lại họ lúc trao giải, có những nụ cười rạng ngời của người đoạt vé đi tiếp, cạnh đó là những ánh mắt buồn, hụt hẫng khi phải dừng bước. Tuy nhiên thật lạ, khoảnh khắc ấy qua rất nhanh, cái bắt tay, vỗ vai nhau kèm theo lời hỏi han, chúc mừng khiến người ta nhận ra không có ai thua trong cuộc chơi này. Thậm chí người dừng bước gửi gắm hi vọng của mình cho những đồng nghiệp sẽ bước vào vòng chung kết.
Họ đã có những giây phút hạnh phúc tại cuộc thi và sẽ mãi luôn như thế bởi ai cũng được sống trong công việc đam mê của mình hàng ngày. Dù hạnh phúc ấy có phần lặng lẽ.
Bài và ảnh: Tri Trung