Có người cho rằng măng cụt được các nhà truyền giáo người Pháp mang vào Việt Nam, có người bảo măng cụt du nhập vào Việt Nam từ các đảo quốc kế cận hoặc cả từ Trung Quốc… Từ điển Huình Tịnh Paulus Của (1896b:17) kiến giải măng cụt là bứa xiêm. Tiếng Thái Lan gọi thứ trái này là mạngkhud (มังคุด) – gần giống với tên gọi măng cụt hơn cả. Cho nên, trăm năm trước, có lẽ măng cụt đến nước ta từ Xiêm La (Thái Lan) thì phải?
Năm 2008, tôi đang ở Mỹ đi học và làm thêm trong một chợ Việt Nam. Ở chợ Việt Nam tất nhiên bán hầu hết là thực phẩm Việt Nam, trong đó phải kể đến những loại trái cây tươi đã đi sâu vào tiềm thức của người Việt như chuối xiêm (chuối sứ), cóc, ổi, mít… Người Mỹ muốn ăn các loại hoa quả nhiệt đới cũng phải đến đây tìm.
Đến giữa năm 2008, chợ này nhập được một mặt hàng cực kỳ hiếm có mà cả khu vực Bắc Mỹ chưa ai bán: măng cụt tươi. Giá cho 1 pound (454gr) măng cụt tươi từ Thái Lan tại thời điểm đó là $12.99 một ký (tương đương 600,000 đồng Việt Nam) – một cái giá quá cao cho một loại trái cây nhiệt đới mà rất ít khách Việt muốn bỏ tiền mua. Thế nhưng, chỉ một tuần sau, các khách hàng Mỹ lần lượt tìm đến để mua cho bằng được một túi măng cụt và nhất định nói phải nếm cho bằng được “fruit from paradise” - loại trái cây đến từ thiên đường này.
Măng cụt là một loại quả rất lạ đối với người ngoại quốc, cũng lạ với ngay cả một số người ở miền Trung và miền Bắc. Quả chín có màu tím đậm, vỏ rất dày, đầy nhựa chát – nhưng ruột quả lại trắng nõn, chia ra làm từng múi đều đặn úp cạnh vào nhau, tạo thành một hình cầu hoàn hảo. Khi chín tới, vỏ quả măng cụt mềm đều, dùng dao kéo một vòng sâu khoảng 3 – 4mm trên vỏ có thể nhẹ nhàng tách phần ruột ra. Từng múi măng cụt mềm mại có hạt nhỏ ăn được, trơn tuột, 8 phần ngọt 2 phần chua, hương vị cực kỳ nhẹ nhàng mà ấn tượng.
Mùa măng cụt thường rơi vào tháng 4 và tháng 5 hằng năm.
Có được hương vị “thần tiên” không giống với bất kỳ một loại quả nào khác như thế là vì măng cụt vốn rất kén thổ nhưỡng, chỉ chọn đất sét giàu phù sa với tầng đáy dày và khí hậu nóng ẩm để ra hoa kết quả. Sống ở miền Nam từ rất lâu nhưng măng cụt cũng không bị “thuần hoá” như các loại hoa trái khác, mỗi năm chỉ cho đúng một mùa quả chứ nhất định không có quả trái mùa. Hơn nữa, măng cụt là dạng cây cổ thụ, trồng hạt 2 – 3 năm cây chỉ cao đến đầu gối, khoảng 15 năm mới bắt đầu bói quả nên mỗi mùa quả là kết tinh của cả năm nhựa sống.
Đến tháng 4, tháng 5, măng cụt bắt đầu cho quả chín. Thường thì ta vẫn bảo “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “đừng trông mặt mà bắt hình dong” nhưng măng cụt là một trường hợp hoàn toàn ngoại lệ. Muốn chọn một trái măng cụt ngon, nhất định phải dựa vào ngoại hình của nó.
Quả măng cụt nhỏ và vừa sẽ ngon hơn quả lớn vì múi nhỏ, hạt nhỏ, vị chua ngọt rất hấp dẫn. Đáy quả măng cụt có một “đoá hoa” nhiều cánh, biểu thị số múi trong ruột quả. Quả có bao nhiêu múi, to nhỏ thế nào đều sẽ thể hiện hết ở những cánh hoa này. Vỏ quả khi còn xanh rất cứng, khi vỏ chuyển sang màu tím và ấn vào được là măng cụt đã bắt chín tới; tai quả còn xanh đẹp là quả vẫn còn tươi, ăn có thể có hơi vị chát nhưng vẫn ngọt thơm dễ chịu.
Cách bóc măng cụt dễ dàng. Ảnh: Xaluan
Đối với Âu – Mỹ, măng cụt được xếp vào hàng những loại quả ngon nhất thế giới vì không chỉ có hương vị tuyệt vời, măng cụt còn chứa những dược tính quý giá.
Tăng cường sinh lực cho cơ thể
Trong quả măng cụt chứa axit Trytophan - chất có liên hệ trực tiếp với Serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh có liên hệ mật thiết với giấc ngủ, tâm trạng vui buồn và khẩu vị) tạo sự phấn chấn trong tinh thần.
Hỗ trợ, phòng ngừa ung thư
Măng cụt chứa hàm lượng các xanthone cao nhất (chất thuộc nhóm chống oxy hóa, có nguồn gốc từ thực vật) có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư. Chất này chứa nhiều trong vỏ. Tuy nhiên, vỏ ngoài có vị đắng nên trong Đông y thường kết hợp với một số vị khác để làm thuốc.
Giảm mùi hôi của hơi thở
Kháng thể Xanthones trong quả măng cụt cũng có khả năng diệt khuẩn. Vì vậy khi ăn hoặc súc miệng bằng nước măng cụt sẽ làm giảm mùi hôi trong miệng.
Kiểm soát trọng lượng cơ thể
Nhờ đặc tính chứa nhiều xanthone, măng cụt giúp giảm cholesterol, hạ huyết áp rất tốt. Khi cholesterol xấu bị lão hóa sẽ sinh ra những mảng bám trong mạch máu. Kháng thể xanthone trong măng cụt có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của cholesterol xấu và chống béo phì hiệu quả, rất thích hợp trong việc giảm cân. Đồng thời, các kháng thể xanthone trong măng cụt khiến các tế bào trở nên mềm hơn, có thể thấm nước và có khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
Cải thiện hệ thần kinh
Hiện tượng lão hóa đối với não bộ là một nguyên nhân chính yếu của các bệnh lý thần kinh, đãng trí, tay chân run lẩy bẩy và những bệnh khác có liên quan đến trung khu thần kinh. Măng cụt là một trong những thực phẩm hữu hiệu nhất để chống lão hóa, cho nên nó được xem như thứ quả thần kỳ trong việc phòng ngừa sự thoái hóa của hệ thần kinh.
Làm đẹp da
Các chứng bệnh ngoài da như chàm (eczema), viêm da, mụn trứng cá, vẩy nến, và chứng ngứa thường được điều trị bằng Steroids và các loại kem chống nấm. Sử dụng nước măng cụt bôi rửa ngay trên vùng da đang bị tổn thương cho thấy các chứng bệnh ngoài da kể trên đã điều trị tự nhiên mà không cần thuốc men và không sợ bị phản ứng phụ như khi sử dụng dược phẩm.
Để tận dụng hết năng suất của cây và những đặc tính tuyệt vời của loại trái cây đến từ thiên đường này, người ta đã tìm cách sấy khô ruột quả, làm đông lạnh cả quả và làm nước ép để bảo quản chúng lâu hơn, tận hưởng được hương vị của chúng dưới nhiều hình thức hơn. Ngay cả vỏ quả cũng được sấy rồi nghiền mịn để làm thức uống dưỡng da, giảm cân…
Thiên Thư