Vừa đẹp mắt, vừa lạ miệng là món mắm hàu kèm gỏi bông điên điển
Tác giả Trần Kiêm Đoàn từng ví von mắm Việt là, "trầm hương của
gừng cay muối mặn quyện với mùi nắng mưa, mùi tay mẹ chắt chiu cùng mùi sông hồ biển cả…", trong
bút ký và tiểu luận Từ ngõ Huế xưa. Mặc dù vậy, vẫn ít thấy mắm hiện diện trên các bàn tiệc sang
trọng, đa phần do người tổ chức sợ kém thanh tao. Tuy nhiên, không phải không có vài đầu bếp nặng
lòng với mắm.
Vòng sơ kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014, khu vực TP.HCM, quy tụ
hơn 60 đầu bếp chuyên nghiệp tranh tài, đội "mắm hàu hoa" (nhà hàng Hoa Mua, khu du lịch Bình Quới
1, đội 9) đã giành hạng nhì, tại khu du lịch Văn Thánh, hôm 8/10/2014.
Thông thường, các món rau đọt tươi non hoặc luộc sẽ tạo trớn cho
mắm, trong các bữa cơm gia đình. Thế nhưng, anh Lê Võ Anh Duy bếp trưởng nhà hàng này, đã chọn gỏi
hoa sánh đôi cùng mắm, giúp món ăn thêm lấp lánh sắc màu. Nhúm bông điên điển nhỏ nhắn, ánh vàng và
cong cong như vầng trăng khuyết được trộn thật nhẹ tay với dung dịch nước cốt chanh + đường - chua
+ ngọt vừa phải, toả mùi thơm dễ chịu.
Thời gian quý như vàng trong những phút cuối
Xong, chúng được khéo léo tạo hình tròn tựa chiếc bánh trung thu
nhỏ. Có chút khác biệt là, bánh đội thêm mấy cọng cải mầm xanh non lẫn tím mộng. Kế nữa, chễm chệ
chùm cá cơm sữa trắng tươi. Con cong vênh như chiếc lưỡi câu nhỏ, con ưỡn ẹo. Trên cùng, là một sợi
tóc bằng ớt sừng trâu đỏ rực, xoăn tít như một dấu hỏi - nửa thách thức nửa mời gọi: Bạn có dám cắn
tôi không?!
Còn chén nhỏ mắm hàu Vũng Tàu, cũng được đầu bếp gia thêm ít: tỏi,
ớt, củ gừng giã nên càng thơm lồng lộng. Những phụ gia giàu tinh dầu này, vừa giúp khử tanh mắm vừa
bảo vệ đường ruột.
Rồi chúng ồn ào "hợp hôn", có người khen nức nở: "Tôi rất ấn tượng
món gỏi! Các bạn đã khéo léo kết hợp hoa điên điển với mắm hàu, vừa đẹp mắt vừa cuốn hút", ca sĩ
Nguyễn Phi Hùng, ban giám khảo khách mời đã nhận xét.
Đồng thời, món bún gà song thằn An Thái của đội 9 cũng lắm công
phu. Sợi bún đôi, làm bằng đậu xanh ở đây vốn là đặc sản độc đáo của thị xã An Nhơn, tỉnh Bình
Định. Dù bạn mang bún đi nấu canh (tôm, thịt) hay xào cùng lươn đồng, ếch đồng… sợi bún vẫn dẻo
dai, tư vị bùi bùi thật khoái khẩu. Một số dân địa phương cho rằng, chính nắng gió và nước sông Côn
đã góp phần quyết định hương vị tuyệt vời của bún.
Bún nhà giàu đẹp đôi cùng gà nhà nghèo
Được biết, cứ trung bình khoảng 5kg đậu xanh, qua nhiều lần: xay,
đãi, lắng lọc thủ công sẽ được 1,2kg bột. Và phải tốn thật nhiều mồ hôi của người thợ khéo tay, ria
bột trên chảo nước sôi, rồi ngâm qua nước lạnh, lại mang phơi và chờ qua đêm cho bún dịu lại mới
được 1kg bún thành phẩm. Do vậy, giá tại chỗ không dưới 170.000 đồng/kg bún, vẫn có nhiều người
mua.
Có tô bún cực ngon, đùi gà đi bộ săn chắc, dĩa nước mắm nhỉ giằm ớt
hiểm cay thơm sóng sánh, thì không ngậm mà nghe mới lạ!
Ngoài ra, món cồi sò điệp xốt chùm ngây của đội anh Duy cũng lạ
miệng và bổ dưỡng không kém. Duy bật mí mẹo biến lá chùm ngây mới héo thành tươi cũng như làm với
đọt sầu đâu: trụng lá qua nước ấm. Sau đó, xay cỡ chục lá cây "cứu tinh cho người nghèo toàn thế
giới" với ít: muối, sữa đặc có đường, ớt chim xanh. Bạn sẽ có một loại xốt nổi màu xanh nước biển,
cay hăng nhẹ lẫn mặn - ngọt - beo béo.
Cồi sò điệp, xào sơ trên lửa lớn cho vừa chín tới. Chấm ngập nước
xốt lúc nãy, nghe ngọt bùi vấn vương!
Mặc dù vậy, đội này vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Theo ông Lý Huy
Sáng, phó ban tổ chức và cô Bùi Thị Sương, thành viên ban giám khảo, món bánh khoai tím lá cẩm
tráng miệng hơi nhạt đường, còn khăn trải bàn màu đỏ quá nổi bật làm chìm bớt màu sắc của thức
ăn.
Giòn ngọt, bổ dưỡng, cồi sò điệp xốt chùm ngây
Theo Tấn Tới - Phi Nguyễn
Thế giới tiếp thị