Có lẽ nếu không có cuộc thi quy mô và chuyên nghiệp mang tên Chiếc Thìa Vàng thì cây sọ chó vẫn còn ẩn dật nơi rừng núi Ba Tơ. Rồi suốt đời chỉ “chung thủy” với món nướng.
Khoảnh khắc thú vị đã diễn
ra trong buổi sáng đầu tiên của vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng khu vực phía Nam
(ngày 27.10.2015), khi nhiều ánh mắt tò mò, cùng hướng về một loại cây lạ. Diện
mạo nó khá giống cây cần thăng (cây kiểng). Tinh dầu của nó vừa có độ hăng the
của bạc hà, lại “vương vấn” một chút đắng – the –thơm nhẹ nhàng cỡ 1/6 so với
mùi vị lá cà ri; lại bằng phân nửa hương vị từ vỏ quýt khô (trần bì).
Lá sọ chó
Người đầu tiên nhận ra sự
hiện diện loại cây đặc biệt này trên kệ bếp của đội 30 (Khu du lịch Văn Thánh),
là nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương. Vị giám khảo chuyên môn lập tức cầm lên
mân mê và nếm thử. Cảm thầy thật thú vị với trải nghiệm vừa diễn ra, bà liền rủ
những giám khảo chuyên môn đứng gần đó nhanh chân đến để cùng cảm nhận. “Tôi
rất thích mùi vị thơm thanh nhẹ nhàng của nó!”.
Ông Sakal Phoeung – Chủ
tịch Hội đầu bếp Escoffier Việt Nam - Tổng bếp trưởng Sofitel Sài Gòn Plaza,
giám khảo chuyên môn, sau khi nếm thử một vài lá, cũng buông lời khen: “Thật
tuyệt!”. Còn hai giám khảo khách mời Lý Huy Sáng và NSƯT Kim Xuân cũng háo hức
không kém.
Ban giám khảo háo hức với loại cây gia vị mới
Hỏi ra mới biết, người dày
công lặn lội “thỉnh” loại cây đặc biệt này về là nghệ nhân ẩm thực Chiêm Thành
Long, giám đốc Khu Du lịch Bình Quới. Ông Long kể, loại cây gia vị này có tên
sọ chó. Một loại cây mọc tự nhiên ở rừng núi Ba Tơ (xin đừng nhầm lẫn với trái
óc chó). Đó là một chuyến đi dài ngày, nhằm tìm kiếm những loại gia vị mới lạ
mà thỉnh thoảng ông Long vẫn hay bôn ba. Ông phát hiện ra: lá loại cây này được
người dân địa phương giã giập, ướp với các loại thịt rừng (nai, nhím, heo rừng
lai) rồi đem nướng. Cho mùi vị thơm ngon độc đáo.
Nhưng đến với cuộc thi tầm cỡ
quốc gia, loại lá gia vị này được tẩm ướp công phu hơn: trước khi nấu nướng và rắc
vào sau cùng lúc thực phẩm gần chín, để dậy mùi hương mạnh hơn. Ông Long còn
thử nghiệm thành công với món muối, hoặc sốt lá sọ chó ăn kèm. Nhưng niềm vui
to lớn hơn với ông Long là, cây sọ chó đã nhanh chóng thích ứng với thổ nhưỡng
TP.HCM.
Tại cuộc thi Chiếc Thìa
Vàng, lá sọ chó tỏ ra rất “xứng đôi vừa lứa” với tôm hùm trong món tôm hùm
nướng lá sọ chó sốt me rừng. Sang trọng hơn, nụ của loại cây này được “se duyên”
với một giống tôm rồng, cho món ăn không chỉ đậm đà hương vị mà còn lung linh
hơn.
Món tôm hùm nướng lá sọ chó sốt trái me của các đầu bếp đội Khu Du lịch Văn Thánh
Tuy
nhiên, các vị giám khảo khó tính như ông Lý Sanh, chủ tịch Hội đầu bếp chuyên
nghiệp Sài Gòn, giám khảo chuyên môn, hay bà Văn Thị Bạch Tuyết, giám đốc sở Du
lịch TP. HCM còn có nhiều góp ý quý giá để phát huy hơn nữa giá trị của loại
gia vị lạ này. Đáng kể là món tôm hùm nướng lá sọ chó sốt me rừng của đầu bếp
Nguyễn Hoàng Trung (đội 30) đã để vị chua của me rừng át đi mùi vị đặc trưng
của lá chủ vị. Còn món tôm rồng sốt nụ sọ chó ăn kèm sà lách - lá sọ chó củ hủ
dừa của đầu bếp Lê Võ Anh Duy (đội 36) có sự phối hợp mượt mà hơn. Tuy nhiên,
ông Lý Sanh tặc lưỡi: “Vẫn chưa tới!”. Vị giám khảo từng trải gợi ý, nếu sọ chó
được gia tăng thêm một chút “sẽ đã hơn!”.
Món tôm rồng sốt nụ sọ chó ăn kèm sà lách - lá sọ chó củ hủ
dừa của các đầu bếp Khu Du lịch Bình Quới 1
Nói đi cũng phải nói lại,
cây sọ chó mới chân ướt chân ráo “làm dâu” Sài Gòn, lần đầu ra mắt Chiếc Thìa
Vàng có ít nhiều thiếu sót là điều hiển nhiên. Và nhiều người vẫn kỳ vọng, thời
gian không xa nữa, với sự “mát tay” của các đầu bếp yêu nghề phương Nam, nó sẽ
đường hoàng “diện áo đầm” vào bàn tiệc năm sao. Và như vậy, sọ chó sẽ có thêm
nhiều tri âm…
Tấn Trung