Với chủ đề “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt”, cuộc thi “Chiếc thìa vàng 2015” không chỉ là sân chơi thú vị dành cho giới đầu bếp chuyên nghiệp mà còn góp phần tôn vinh tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt Nam.
Tại vòng loại cuộc thi ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, thực đơn thuần Việt với những món ăn dân dã đậm đà “hương vị quê nhà” của nhóm đầu bếp trẻ đến từ Nhà hàng KS Novotel Nha Trang đã giành chiến thắng tuyệt đối - dẫn đầu 10 đội thi cùng có mặt trong “vòng đua” bán kết tại TP.HCM vào tháng 10 tới đây.
Vòng sơ tuyển cuộc thi “Chiếc thìa vàng 2015” diễn ra tại Trung tâm tiệc cưới Âu Lạc Thinh (Nha Trang) trong 2 ngày 21 - 22/7, thu hút sự tham gia của 63 đầu bếp thuộc 21 đội, đến từ 7 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
BTC cuộc thi cho biết, tại những mùa thi trước, các đầu bếp ở khu vực này đã biết tận dụng thế mạnh từ nguyên liệu, gia vị đặc trưng của địa phương để chế biến thành những món ăn độc đáo, hấp dẫn. Thực đơn của các đội thi năm nay khá phong phú và thấm đẫm “hương rừng, vị biển”.
Thí sinh tập trung trổ tài làm đầu bếp ảnh : B.C Điều đáng lưu ý là có đến 14/21 đội trổ tài làm gỏi - “Gỏi cuốn cá mú chấm sốt hạt điều”của nhà hàng KS Green World (Nha Trang), ‘Gỏi san hô” của nhà hàng Ao Xanh (Nha Trang), “Gỏi nấm chốn quê” của nhà hàng Resort Phát Hoàng Long (Ninh Thuận), “Gỏi măng cụt” của nhà hàng Prista Bisto (Nha Trang), “Gỏi vịt hoa chuối” của nhà hàng KS Yasaka Hương Sen (Phú Yên), “Gỏi chình mun Châu Trúc” của nhà hàng KS Mường Thanh (Qui Nhơn), “Gỏi hạt điều hải sản với sốt chanh dây” của nhà hàng Bãi Tràm Hideaway resort (Phú Yên), “Gỏi giò nhộng ong rừng kèm sốt cà phê” của nhà hàng KS Sài Gòn Ban Mê (Đắc Lắc), “Gỏi cuốn thịt vịt, chả giò thịt bò với phô mai và chả cá trộn trứng vịt muối chiên” của nhà hàng KS Novotel (Nha Trang)…
Ai cũng biết gỏi là món ăn hỗn hợp, dễ làm, rất phổ biến, có thể sử dụng đồng thời nhiều loại rau sống cùng nhiều nguyên liệu và gia vị khác biệt đến mức đối lập; nhưng không phải ai cũng có thể làm được món gỏi thật tươi ngon với mùi vị đặc trưng và quyến rũ.
Không gian giới thiệu gia vị Việt tại cuộc thi vòng loại "Chiếc thìa vàng 2015" khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. ảnh: B.C Ban giám khảo cuộc thi là những chuyên gia ẩm thực nổi tiếng đều thống nhất đánh giá thực đơn dân dã của nhóm đầu bếp trẻ đến từ khách sạn Novotel (Nha Trang) dẫn đầu khu vực.
Dưới sự dẫn dắt của đầu bếp Hà Ngọc Vũ (sinh 1987), đội Novotel Nha Trang đã nâng tầm 4 món ăn cực kỳ gần gũi, phổ thông trở thành đặc sản sang trọng và hiện đại. Vẫn là gỏi cuốn thịt vịt, chả giò thịt bò với phô mai lẫn chả cá trộn trứng vịt muối chiên, cá hấp nước mắm, thịt heo kho quế, chè trôi nước 3 màu; song các đầu bếp đã có nhiều sáng tạo trong việc điều chỉnh gia vị đồng thời biết cách trình bày món ngon như là những tác phẩm nghệ thuật tinh tế.
Đầu bếp Hà Ngọc Vũ, giới thiệu: “Novotel là khách sạn 4 sao, công việc hàng ngày ở nhà hàng rất bận rộn. Chúng tôi chỉ có 1 tuần để lựa chọn thực đơn và chuẩn bị nguyên liệu. Sau khi phân tích “đề bài”, tôi nhận thấy mỗi món ăn truyền thống của người Việt Nam có một hương vị riêng, nếu biết cách gia giảm khi pha trộn các loại gia vị với nước mắm, thì sẽ tạo nên ấn tượng độc đáo và dư vị khó quên”.
Đầu bếp Hà Ngọc Vũ ảnh: B.C Là con trai của 1 đầu bếp tàu viễn dương, mê nấu ăn từ nhỏ, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Hà Ngọc Vũ đã xin học nghề tại nhà hàng KS Yasaka Sài Gòn Nha Trang. Càng học càng thấy thiếu, cách đây 5 năm, Hà Ngọc Vũ đã quyết định chuyển vào Sài Gòn vừa học, vừa làm. Đầu năm 2015, “cảm thấy tay nghề tương đối ổn”, Vũ mới trở về thành phố du lịch Nha Trang hành nghề đầu bếp.
“Phát biểu cảm tưởng” ngay sau khi giành chiến thắng, đầu bếp Hà Ngọc Vũ, chia sẻ: “Trong xu thế hội nhập, để có thể bình đẳng gia nhập “sân chơi” quốc tế, các đầu bếp Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi và khám phá “thế giới ẩm thực” Á - Âu, từ đó tìm ra lối đi riêng, góp phần tôn vinh những giá trị tinh túy của món ăn truyền thống Việt Nam. Tôi tin rằng gia vị và nghệ thuật kết hợp gia vị sẽ tạo nên đường dẫn của cảm xúc".
Đúng như ông Chiêm Thành Long - chuyên gia sưu tầm, nghiên cứu gia vị Việt Nam và cũng là giám khảo chuyên môn của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015, nhận định: “Chúng ta quen sử dụng gia vị tươi, chưa tính toán việc sơ chế hoặc tinh chế, làm tăng giá trị thương mại của nguyên liệu, gia vị. Nhiều loại gia vị đặc biệt ở địa phương chưa phát huy hết giá trị.
Vì vậy, câu chuyện khám phá và cách dùng gia vị của thí sinh sẽ được chú ý. Từ đó, chúng ta sẽ tìm nguồn gốc, công thức, cách chế biến, bảo quản... Vẽ được bản đồ gia vị Việt Nam đồng nghĩa với việc tìm ra con đường giao thoa văn hóa ẩm thực, phát triển nền ẩm thực chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.