Không chỉ hướng dẫn cách trình bày món ăn bắt nhịp với xu thế hội nhập, gia vị Việt cũng là chủ đề được truyền tải đầy tâm huyết và thu hút sự quan tâm của đông đảo đầu bếp tỉnh Khánh Hòa vào cuối tuần qua.
Tại buổi giao lưu về xu hướng ẩm thực Việt, chuyên
gia ẩm thực Chiêm Thành Long cho rằng, so với nhiều nền ẩm thực khác trên thế
giới, thế mạnh của gia vị Việt là rất đa dạng, tươi ngon, phân bố ở nhiều vùng
miền, từ trong vườn nhà cho đến các miền rừng núi… Tuy nhiên, "kho tàng" ấy chưa được
biết đến rộng rãi, chỉ mới một vài người biết và sử dụng.
Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt - ông Chiêm Thành Long
Là người có nhiều đóng góp trong công tác sưu tầm
và quảng bá ẩm thực dân gian Việt, chia sẻ về ẩm thực Khánh Hòa, ông nói: “Hầu
hết món ngon của Nha Trang - Khánh Hòa đều chế biến từ hải sản. Tuy nhiên, phong
cách ẩm thực vẫn thiếu nét đặc trưng, ít sáng tạo và chưa bắt kịp xu thế hiện
đại. Ngoài những món truyền thống đã được định danh như bún cá, nem
chua, bún sứa..., ngay cả các nhà hàng cao cấp vẫn chưa định danh được hải sản
Nha Trang trên thực đơn hàng ngày. Để ẩm thực thực sự trở thành một
đường dẫn độc đáo trên bản đồ du lịch, các đầu bếp ở thành phố biển cần tư duy,
phát triển nguồn nguyên liệu địa phương trở thành thế mạnh đặc trưng của riêng
mình. Và, gia vị là một “điểm nhấn” đặc biệt, riêng có của từng vùng.”
Về gia vị, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương nhận
định: “Miền Trung là một trong những khu vực tiềm tàng rất nhiều loại gia vị.
Đó là món quà quý của dân gian. Nếu chúng ta biết khảo sát, phối hợp hợp lí vào
mỗi món ăn, chắc chắn sẽ có những sáng tác mới, độc đáo và tốt cho sức khỏe.”
Bởi thực tế, gia vị là yếu tố làm cho món ăn cân bằng, có đủ tính âm dương,
giúp món ăn “tròn vị”, để lại ấn tượng với mỗi thực khách.
Cũng theo các khách mời, cách chế biến hải sản của
người Nha Trang khá đơn giản, vẫn chỉ là hấp, nướng, xào… và không tạo ấn tượng
mạnh cho người thưởng thức. Theo cách nói của các chuyên gia ẩm thực, khi
thưởng thức món ăn được nâng tầm thành văn hóa ẩm thực, con người ta sẽ không
thể nào quên. Gia vị là một trong những thành phần quyết định sự khác biệt của
nền ẩm thực Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
“Trong nhiều năm qua,
cùng với chủ đề Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt của cuộc thi Chiếc
Thìa Vàng, chúng tôi phấn khởi khi thấy rằng, từ cuộc thi này nhiều loại gia vị
còn lẩn khuất trước đó đã được biết đến và sử dụng rộng rãi hơn. Ví như mắc
khén, hạt dổi, mắc mật… đặc trưng của Tây Bắc, nay Cà Mau đã biết dùng. Trái
giác, trái bần, bình bát… rất Nam bộ; trái gáo, trái sả Ba Tơ (Quảng Ngãi), lá
sương xông… đã dần phổ biến, không chỉ làm ngon cho món ăn mà còn là bài thuốc”,
chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long chia sẻ.
Theo đó, ông Long cũng khẳng
định: “Tìm kiếm, tập hợp có hệ thống và nghiên cứu công nghệ tạo thành
sản phẩm để gia vị Việt sử dụng được lâu hơn, phổ biến ra thị trường thế giới là điều
mà cuộc thi Chiếc Thìa Vàng và những người làm ẩm thực đang hướng tới”.
Cũng tại buổi giao lưu diễn ra
hôm 18.6, tại Nha Trang (Khánh Hòa), nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương đã chia sẻ
về xu hướng ẩm thực mới, định hướng sáng tạo trong cách trang trí, nâng tầm món
ăn cho nhiều đầu bếp địa phương. Theo đó, những câu chuyện và nhận xét khách
quan của các đầu bếp nổi tiếng thế giới về ẩm thực Việt mà nữ nghệ nhân chia sẻ
được các khách mời đặc biệt quan tâm.
Quán quân Chiếc Thìa Vàng
2014 Trần Thái Bảo đã có màn chế biến và trình bày món bánh xếp ốc các loại xốt
nước dừa hương sả và chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Thông tin về cuộc thi Chiếc
Thìa Vàng 2016, những ưu khuyết điểm của đầu bếp nhìn từ vòng sơ tuyển phía Nam
và những quy định, lưu ý, nét mới cũng được BTC cập nhật đầy đủ,
chi tiết với các đầu bếp tham dự.
Món Bánh xếp ốc các loại xốt nước dừa, hương sả
Giao lưu “xu hướng ẩm thực
Việt thời hội nhập” tại TP.Nha Trang là buổi giao lưu thứ tư được Ban tổ chức
cuộc thi Chiếc Thìa Vàng phối hợp với các địa phương thực hiện, từ như cầu đổi
mới và phát triển ngành du lịch - ẩm thực mỗi vùng miền. Trước đó, các buổi giao lưu cùng chủ đề đã được thực hiện tại
Cần Thơ (dành cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long), tại Kon Tum (dành cho khu vực
Tây Nguyên), tại Huế (dành cho các đầu bếp Bắc Trung bộ).
Dự kiến, các
buổi giao lưu tiếp theo sẽ được thực hiện tại Đà Nẵng và Hà Nội.
An Thanh