“Nguyên liệu chính trong mỗi hộp hoàn toàn khác nhau, có thể giống một vài loại nguyên liệu nhỏ, nhưng không hề giống nhau toàn bộ.”
“Khi biết tin đội mình lọt vào chung kết, tôi có khoảng một tháng để chuẩn bị thật nhiều thứ cho “cuộc chiến” cuối cùng. Hồi hộp nhưng tự nhủ mọi tính toán phải thật chi tiết, tôi suy nghĩ suốt cả tháng với gần chục kịch bản trong đầu”, đầu bếp Trần Thái Bảo, bếp phó Khách sạn Caravelle (TP.HCM), quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014 hồi tưởng…
Sau hơn sáu tháng tranh tài sôi nổi, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015 sắp cán đích với vòng chung kết hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn, diễn ra ngày 2.12.2015 tại Minh Sáng Plaza – Bình Dương. Đây là thời điểm 15 đội thi xuất sắc nhất cả nước hướng về Cúp Đầu bếp danh giá và giải thưởng 1 tỉ đồng. Đội bước lên bục vinh quang phải là đội xuất sắc nhất không chỉ về kỹ thuật nấu nướng, mà cả ở khâu chuẩn bị, kỹ năng và tốc độ phản xạ… bởi để chạm tay vào cúp họ phải vượt qua một “cửa ải” không hề dễ dàng: hộp đen chứa những nguyên liệu bí mật.
Những "hộp đen" niêm phong được bộ phận giám sát di chuyển vào khu vực bốc thăm
Cuộc chơi ngày càng gay cấn
Khác với những vòng thi trước, ở vòng chung kết, ban tổ chức đặt ra những thể lệ khá đặc biệt. Các đầu bếp không được mang bất cứ thứ gì làm sẵn vào, ngoài những “đồ chơi” chuyên dụng như dao, thớt, lò, máy... Kể cả bình hoa, cũng chỉ được mang theo bình chứ không được mang sẵn hoa. Nguyên liệu thực phẩm sẽ được ban giám khảo chọn, cho vào các hộp đen và niêm phong. Các đội sẽ bốc thăm, bốc trúng hộp đen chứa nguyên liệu gì, họ sẽ có một tiếng đồng hồ để lên ý tưởng thực đơn với bốn món. Cũng trong khoảng thời gian một tiếng này, sẽ có phiên chợ quê được bố trí gần khu vực thi, bày bán các loại rau, củ, quả, gia vị, hoa… để các đầu bếp lựa chọn. Hết thời gian, chợ sẽ đóng cửa. Tiếp theo là 90 phút dành cho sơ chế (không tẩm ướp, gia nhiệt) và chuẩn bị bàn trưng bày. Thời gian thi chính thức là 120 phút… Như vậy, cuộc thi sẽ diễn ra gần như cả ngày.
Một góc "phiên chợ quê" Chiếc Thìa Vàng 2014
Trong số 15 đội xuất sắc có tên ở vòng chung kết, chỉ trừ vài ba đầu bếp, còn lại đa số đều là lần đầu đứng trước thử thách này. Ai cũng vừa tò mò, vừa lo lắng. Xuất sắc như các đầu bếp Khách sạn Lotte Hà Nội, dù lập “cú đúp” giải nhất ở hai vòng thi trước cũng hồi hộp không biết phải chuẩn bị những gì. Có đầu bếp nhờ theo dõi kỹ đoạn phim giới thiệu vòng chung kết mùa trước, chộp được một vài kinh nghiệm nhưng vẫn lo: “Thấy lúc ban giám khảo chuẩn bị nguyên liệu ở siêu thị, có con ba ba bò gần hộp đen, không biết năm nay hộp đen có ba ba hay... rắn không? Nếu bốc phải hộp đen có mấy loại này chắc chết, vì khách sạn mình xưa nay không cho nấu mấy món này”…
Hãy nghe kinh nghệm của quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014, đầu bếp Trần Thái Bảo (Khách sạn Caravelle): “Nếu nguyên liệu chính chưa biết thì phải lần mò từ những nhóm nguyên liệu phụ. Mình chia thành nhiều nhóm, ví dụ: tinh bột có khoai lang, khoai mì; đạm phụ kèm có thể là trứng. Với những thứ đó, mình có thể làm được gì? Có thể nghĩ ra những món nho nhỏ, để làm đồ trang trí món ăn. Thường ai cũng bận tâm nghĩ đến nguyên liệu chính mà quên bẵng nguyên liệu phụ”.
Và đội của anh đã đặt ra nhiều kịch bản, như nếu bốc gặp nhóm cá, tôm thì sẽ làm gì? Với vịt, bồ câu, chim cút, trâu bò heo… sẽ phải làm gì nữa? Hầm, tiềm hay nướng, chiên thì cũng cần loại bớt những món mất quá nhiều thời gian. Cắc cớ hơn, nếu gặp: lươn, ba ba... sẽ xử lý làm sao? Mọi chuyện đều có thể xảy ra mà! Anh Bảo chia sẻ: “Với vịt, tôi sẽ làm hai món: đùi hầm chậm, ức sẽ tẩm với một loại bột, gia vị nào đó - tùy cơ ứng biến - chiên lên. Riêng bộ lòng tôi lấy mề, lòng nấu mềm hòa cùng nước hầm xương vịt chế nên xốt. Mỡ vịt, mình cũng có thể chiên với khoai tây hay khoai lang gì đó để có món ăn kèm. Khử tanh mỡ vịt bằng vài tép tỏi đập giập hoặc nhúm gừng củ thái chỉ là được. Nói chung, tôi suy nghĩ suốt cả tháng trời với gần chục kịch bản trong đầu. Để khi đụng chuyện, là mình diễn liền như một diễn viên thực thụ. Tuy nhiên, những bận tâm, căng thẳng này tôi không thể chia sẻ với hai đồng đội còn lại. Tôi sợ họ thêm lo lắng, càng rối thêm. Tôi muốn họ thoải mái. Đợi khi gặp nguyên liệu bí ẩn, tôi mới bắt đầu phân công ai làm việc gì”.
Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014 chia sẻ thêm, bốn món trong thực đơn phải liên kết với chủ đề chính của bàn tiệc. Và chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Cần sử dụng hết gia vị đặc trưng trong hộp đen, cũng như xài hết nguyên liệu trong thùng bí ẩn đó: “Về chủ đề, mình có thể nghĩ ra trước, cùng lúc với công đoạn nghĩ kịch bản chế biến món ăn. Cần ưu tiên những món ít tốn thời gian. Về chủ đề bàn tiệc Giáng sinh, tôi đã nghĩ trước rồi tập dợt bốn, năm lần mới hoàn chỉnh. Sau mỗi lần dợt, là đứng ngắm nghía xem đã ổn chưa. Tôi còn chuẩn bị sẵn giá đỡ đèn cầy, nặng tới 25kg. Rồi có cả rượu champagne, lại thêm dụng cụ chuyên đựng rượu để rót ra ly, sau khi đốt nến”.
Đầu bếp Trần Thái Bảo bình tĩnh thực hiện khâu cuối cùng: Rót rượu champagne bằng dụng cụ đã chuẩn bị trước, sau khi đốt nến
Cũng theo anh Bảo, đội trưởng cần nhắc nhở thường xuyên đồng đội để biết tình hình mà ứng biến với những bước kế tiếp, phải ráo riết canh thời gian. Và để họ biết mình đang rất cần họ làm thêm một vài việc phụ khác nữa: “Yếu tố tâm lý quan trọng lắm! Phải bình tĩnh, xác định một điều: bằng bất cứ giá nào cả đội phải hoàn thành tốt bài thi với những nguyên liệu đã gặp và chọn trong cảnh huống cấp bách đó. Hãy cố gắng chơi cho hết cuộc chơi! Đừng lo lắng chuyện thắng thua nhiều quá, sẽ càng gánh thêm áp lực cho chính mình!”.
Yếu tố tâm lý ở một sân chơi chuyên nghiệp là rất quan trọng
Vàng thật cần thử lửa to
Chuẩn bị “lâm trận”, nhiều đầu bếp nói bị hòn đá tảng tâm lý đè nặng, “khớp” trước các đội mạnh hơn và cả ban giám khảo nữa. Anh Bảo chia sẻ thêm từ trải nghiệm cá nhân: “Có những thử thách do ban giám khảo cố tình bày ra, để chúng ta vượt qua. Vấn đề là phải biết tự vượt qua!”
Theo nhận định chung của ban giám khảo chuyên môn, trình độ tay nghề các đội năm nay đã đồng đều, tiến bộ hơn năm rồi. Họ có những sáng tạo ấn tượng như: gỏi sứa, phở tôm... hay sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn các loại thực phẩm quen – gia vị lạ để tạo nên món ăn ấn tượng. Do vậy, mức độ khó của đề thi sẽ cao hơn, trong vòng tranh tài với nguyên liệu bí mật này. “Nguyên liệu chính trong mỗi hộp khác nhau hoàn toàn, có thể giống một vài loại nguyên liệu nhỏ, nhưng không hề giống nhau toàn bộ”, nghệ nhân ẩm thực, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương nhận định.
Bà Sương phân tích, thử thách đó đòi hỏi ở các đầu bếp sự tự tin, kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, linh hoạt của các đội trong vòng thi bị động này. Giống như một hình thức thử vàng, vàng thật thì cần lửa to, vì vậy các đầu bếp cần ra được thực đơn xuất sắc, tổ chức công việc khoa học, hợp lý cũng như sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong đội.
“Đồng thời, tôi tin các đội có khả năng vượt qua chính mình. Tôi vẫn chưa dự đoán được điều gì, khi chưa thấy gương mặt hân hoan hay bối rối của các bạn lúc vừa bốc thăm”, bà Sương nói thêm.
Mặt khác, xét về lợi thế cạnh tranh gữa 15 đội mạnh lần này, mỗi đội đều có thế mạnh riêng nên gần như cơ hội được chia đều. Điều đó giúp cho vòng chung kết sẽ diễn ra vô cùng gay cấn và hấp dẫn.
* Tất cả hình ảnh được sử dụng trong bài viết này được dẫn từ vòng chung kết Chiếc Thìa Vàng 2014.
Tấn Trung