Trong lá và hoa tươi chùm ngây có chứa lượng vitamin C cao hơn gấp 7 lần so với lượng vitamin C có trong trái cam; gấp 4 lần lượng calci và gấp 2 lần lượng protein của sữa; hơn 4 lần vitamin A của cà rốt; hơn 3 lần potassium của chuối.
PGS.TS.BS Lưu Thị Hiệp - Trưởng khoa Đông y Bệnh viện đa khoa Hồng Đức; Nguyên giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học y dược TP.HCM cho biết: Cây chùm ngây hiện được hơn 80 quốc gia tiên tiến trên thế giới sử dụng rộng rãi và đa dạng trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát dinh dưỡng, thực phẩm chức năng. Các quốc gia đang phát triển cũng sử dụng cây chùm ngây như dược liệu kỳ diệu kết hợp chữa bệnh và thực phẩm dinh dưỡng.
Lá chùm ngây non là loại rau giàu dưỡng chất
Như vậy, có thể nói chùm ngây là cây dược liệu quý. Vậy nguồn gốc loài cây này, địa bàn phân bố và dược tính của cây chùm ngây như thế nào?
Cây chùm ngây có tên khoa học Moringa oleifera, là cây nguyên sản ở Ấn Độ, trồng nhiều nơi trong khu vực nhiệt đới, phổ biến nhất ở châu Á, châu Phi. Trong dân gian, chùm ngây còn được gọi là cây Độ sinh hoặc thần diệu (do các nhà khoa học đặt tên dựa vào hàm lượng dinh dưỡng và nguồn dược liệu quý hiếm).
Tại Việt Nam, chùm ngây mọc hoang lâu đời và trong vài chục năm trở lại đây nhiều người nghiên cứu, phát hiện cây có nhiều tác dụng đặc biệt nên mọi người cứ tưởng đây là loài cây mới du nhập. Hiện cây này được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng vào đến đến Kiên Giang và cả đảo Phú Quốc).
Các nghiên cứu dược học hiện đại cho thấy nước ép lá và rễ chùm ngây có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Lá chùm ngây chứa các chất có tác dụng hạ huyết áp. Vỏ rễ cây chùm ngây có chất diệt khuẩn mạnh, dùng làm thuốc thoa trị lở miệng. Toàn cây chứa chất có tính kháng các vi khuẩn. Hạt chứa chất có tác dụng chống nhiều vi khuẩn, vi nấm. Trong lá và hoa tươi chùm ngây có chứa lượng vitamin C cao hơn gấp 7 lần so với lượng vitamin C có trong trái cam; gấp 4 lần lượng calci và gấp 2 lần lượng protein của sữa; hơn 4 lần vitamin A của cà rốt; hơn 3 lần potassium của chuối. “Một số nghiên cứu bước đầu ghi nhận chất chiết bằng cồn của cây, rễ chùm ngây có tính kháng ung thư ở chuột…”, PGS.TS.BS Lưu Thị Hiệp cho biết thêm.
Cây chùm ngây có thể sử dụng như thực phẩm chữa bệnh?
Với cây chùm ngây, người dân Lào dùng nhánh non có hoa, trái xanh nấu ăn như rau. Người dân Campuchia dùng lá, trái vào việc nấu món canh somlo. Ở Việt Nam, lá chùm ngây non đem luộc ăn như một loại rau hoặc xào thịt trâu, thịt bò rất ngon. Lá tươi dùng trộn ăn sống như rau xà lách hoặc nấu canh, nấu chay với nấm, bí đỏ, bắp non bào nhỏ và đậu phộng sống giã nát hoặc làm nước sinh tố uống rất bổ. Hạt có thể ăn sống; rang lên ăn như đậu phộng; nghiền thành bột và cho vào trà uống hoặc thêm vào món cà ri, hoặc ép làm dầu ăn, dùng để trộn salad...
Gỏi bò tái lá chùm ngây
Nhiều đầu bếp đã sáng tạo thêm những món ăn độc đáo, mới lạ từ cây chùm ngây mang đi dự thi. Tại cuộc thi ẩm thực dành cho các đầu bếp chuyên nghiệp mang tên Chiếc Thìa Vàng đã ghi nhận các món được chế biến từ cây chùm ngây, như: Gỏi bò tái lá chùm ngây, Súp chùm ngây hải sản, Pudding chùm ngây...khiến quan khách ngỡ ngàng, thích thú và được ban giám khảo đánh giá cao.
Bên cạnh đó, cây chùm ngây được người dân, thầy thuốc sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời. Lá Chùm ngây làm thuốc trị cảm sốt, ban sởi, suyễn. Trái chùm ngây có tác dụng làm tăng dục. Vỏ cây chùm ngây làm thuốc trị u xơ tuyến tiền liệt, chống mệt mỏi… Ngoài ra, người ta còn sử dụng chùm ngây trong chăm sóc sắc đẹp. Cách dùng khá đơn giản: giã nhuyễn lá chùm ngây, để không hoăc trộn với dầu lấy từ hạt chùm ngây thoa đắp 2 lần, mỗi lần 7 phút trong một ngày. Hạt chùm ngây có chứa một số hợp chất “đa điện giải” dùng lọc nước, rất hữu dụng tại các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, không nên dùng liều quá cao, cũng không nên dùng rễ chùm ngây cho phụ nữ có thai, vì có khả năng gây trụy thai.
(Theo Thanh Niên)