Thuật ngữ "siêu thực phẩm" hiện nay còn khá xa lạ với người Việt Nam nhưng đáng kinh ngạc là hầu hết những “siêu thực phẩm mới” – nguồn cung thực phẩm của tương lai đều đến từ xứ sở nhiệt đới.
Xét về khía cạnh khoa học thì không có định nghĩa chính xác về siêu thực phẩm vì các nhà dinh dưỡng học cũng như các bác sĩ dinh dưỡng hiếm khi sử dụng từ này, nhưng thực tế có một vài thực phẩm được đánh giá rất cao, vượt trội hơn các loại khác nhờ giá trị dinh dưỡng cực cao mà chúng mang lại cho sức khỏe con người.
“Siêu thực phẩm” có hai đặc tính: Thứ nhất, hàm lượng dinh dưỡng rất lớn trong một phần rất nhỏ. Chỉ một phần ăn duy nhất (nhỏ như muỗng canh) đã cung cấp lượng chất chống oxi hóa và dinh dưỡng của 3 - 6 phần rau quả thông thường. Thứ hai, có chứa nhiều chất chống oxi hóa mạnh. Siêu thực phẩm chứa đầy đủ chất dinh dưỡng ở hầu hết các loại rau quả.
Có những loại rau quả quen thuộc hoặc có hình thù quái dị đến nỗi bị “xem thường” nhưng lại chính là siêu thực phẩm của tương lai.
Trái nhàu (Noni fruit)
Cây nhàu có điều kiện phân bố rất rộng, từ nhiệt đới sang ôn đới nên hầu như nơi nào cũng có nhàu rừng. Trái nhàu thuôn dài, vỏ xanh nhưng sần sùi với những mấu tròn lớn, nhìn không hề bắt mắt. Thịt trái nhàu ăn được, nhưng lại có mùi amoniac khó ngửi nên trái nhàu chưa bao giờ có tên trong thực đơn thường ngày.
Chỉ đến khi vấn đề “thực phẩm chữa bệnh” và phong trào “món ăn bài thuốc” được chú ý và lan rộng khắp Việt Nam, người ta mới bắt đầu để ý đến loài quả vừa khó ăn vừa khó ngửi này.
Trái nhàu có chứa đến 150 vi chất, từ sắt, can-xi, kẽm, đồng, vitamin A, C, E, Vitamin B1, B6, B12 đến cả axít fo-lic, ma-giê, phốt-pho và nhiều khoáng chất khác. Ngoài những chất có sẵn này, quả nhàu đặc biệt có chứa hợp chất prexonine - khi kết hợp với enzym prexoronase trong dạ dày sẽ tạo thành chất xeronine, và khi protein kết hợp với xeronine lại hình thành nên những khối có khả năng sản xuất năng lượng và giúp những tế bào khỏe mạnh phát triển hoàn hảo. Một nghiên cứu khoa học còn phát hiện ra rằng: trong quả nhàu có nhiều chất selenium là một nguyên tố vi lượng có tác dụng chống oxy hóa cao giúp ngăn chặn sự hủy hoại những gốc tự do – nguyên nhân dẫn đến ung thư.
Vì những tác dụng lớn đó, hiện giờ trái nhàu đang được khai thác triệt để. Người ta trồng vườn nhàu, sấy quả và lá nhàu làm trà, ép trái nhàu làm nước…
Trái gấc
Gấc không hề xa lạ với người Việt. Quả gấc không ăn sống được, nhưng là một nguyên liệu tuyệt vời trong bếp. Xôi gấc, chè gấc, bánh chưng gấc, và gần đây là dầu gấc… đều là những món vừa ngon lại vừa lành.
Không hề khoa trương một chút nào khi nói gấc chính là thực phẩm “siêu dinh dưỡng” trong dòng “siêu thực phẩm”. Trái gấc giàu beta caroten và lycopene hơn bất kỳ loại rau quả nào khác, giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống lão hóa, tốt cho tim mạch và ngăn ngừa ung thư, giúp căng da sáng mắt. Vì vậy gấc không những tốt cho sức khỏe mà còn có tác dụng làm đẹp, đặc biệt thích hợp cho phụ nữ.
Trái mít
Không quả gì quen thuộc với người Việt hơn quả mít. Mít xuất thân khá “bần hàn”. Quả mít bổ đôi bổ tư, lấy lá chuối lau hết nhựa rồi bày ra như món quà quê, có mang lên cho người thành thị ăn thì cũng chỉ nhón vài ba múi vì ngon thì ngon đấy nhưng lại nóng quá, ngọt quá, dễ tiểu đường.
Thực tế, thế giới giờ đây đang nhìn mít dưới góc nhìn hoàn toàn khác. Không chỉ ở châu Mỹ Latin mà cả Bắc Mỹ bây giờ cũng quay sang “tôn sùng” quả mít và đánh giá mít là một trong những “siêu thực phẩm mới” có khả năng cứu đói cả thế giới. Mít chín là một loại trái cây giàu năng lượng và vitamin, còn mít non sau khi chế biến lại có thể thay thế được thịt lợn, là thực phẩm chay cực kỳ dinh dưỡng.
Trái mãng cầu gai (mãng cầu xiêm)
Không chỉ thơm ngon, nhiều thịt, hương vị đặc trưng mà mãng cầu xiêm còn được trồng và tiêu dùng rộng rãi vì chứa nhiều tính chất dược liệu quý. Mãng cầu xiêm chứa nhiều carbohydrate, đặc biệt là đường fructose, vitamin C (cực cao), B1 và B2, lại chứa ít calo, ít chất béo và đặc biệt là không chứa cholesterol.
Cây mãng cầu xiêm, từ lá, hoa, đến thân rễ đều là vị thuốc. Đặc biệt, một số các nghiên cứu trong khoảng 10 năm gần đây chứng minh rằng mãng cầu xiêm có chứa chất chống ung thư. Tuy giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng nhưng các nhà khoa học thực phẩm vẫn đặt niềm tin rất lớn vào loại siêu thực phẩm ngon lành này.
Quả rừng Camu Camu
Thoạt nhìn thì không ai đoán được loại quả rừng nhỏ bé này lại được các nhà khoa học đánh giá cao như vậy. Camu Camu là một loại quả mọng phân bố dọc theo sông Amazon, là biểu tượng cho sức mạnh và sức khỏe của một số bộ tộc lớn ở Nam Mỹ.
Camu Camu là một “siêu trái cây” rất giàu dinh dưỡng. Nó chứa lượng vitamin C cao nhất so với bất kỳ loại cây nào trên thế giới, đơn giản là hàm lượng vitamin C trong 100gr Camu Camu cao gấp 60 lần trong 100gr múi cam. Ngoài ra, nó còn cung cấp các chất chống oxy hóa, phytochemical, các acid amin, vitamin và khoáng chất, bao gồm cả sắt và beta carotene.
Sau khi được phát hiện, nghiên cứu và đưa vào sử dụng, giờ thì bột Camu Camu đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Quả Camu Camu hữu cơ được sấy khô, nghiền nát và đóng gói như một loại bột dinh dưỡng. Với hàm lượng vitamin C cao tuyệt đối, bột Camu Camu là nguồn chất chống oxy vô tận, là trợ thủ tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ gan.
Quả lý gai Amla
Amla là một loại quả rất quen thuộc của người Ấn Độ được sử dụng trong các sản phẩm như bánh kẹo, hoặc được ngâm chua ngọt rồi ăn sống.
Amla là một một siêu thực phẩm của Ayurveda (triết thuyết sống khỏe của người Ấn) bởi tính chống oxy hóa của nó. Vitamin C trong quả Amla có lợi đối với hầu hết các hệ thống và các cơ quan trong cơ thể. Cụ thể là nó kiểm soát lượng đường trong máu đối với bệnh tiểu đường, làm giảm lượng cholesterol, amla là tác nhân chống lão hóa tự nhiên cho da, nuôi dưỡng da đầu và chân tóc đồng thời thúc đẩy sự phát triển của tóc, cải thiện tiêu hóa và làm giảm táo bón, cải thiện lưu thông máu, đảm bảo chức năng của gan được thực hiện tốt. Đồng thời, amla cũng là một chất tăng cường miễn dịch và bảo vệ chống lại nhiều bệnh nếu dùng thường xuyên. Amla là một Hematin (chất bổ máu) cực tốt bởi nó làm tăng nồng độ hemoglobin trong hồng cầu.
Ở Việt Nam cũng có một loại quả dại gần giống như Amla, chính là chùm ruột.
Rau sam
Rau sam vốn dân dã đến nỗi người ta chỉ dùng để… nuôi dế, chúng mọc dại khắp từ Bắc đến Nam. Loại rau này mọc thành bụi, sống ven ao hồ và những nơi đất ẩm. Rất nhiều người Việt hẳn đã từng nhìn thấy loại rau này nhưng lại không mặn mà với việc chế biến chúng thành các món ăn.
Tuy nhiên, viện Đại học Wollongong (Úc) và Trung tâm Di truyền - Dinh dưỡng - Sức khỏe Washington (Hoa Kỳ) đã công bố, rau sam là một trong những loại thực vật hiếm hoi bảo tồn được sức sống của con người theo thời gian do chứa những thành phần oxy hóa cực mạnh, có thể tăng cường tối đa sức đề kháng, đặc biệt khi cơ thể bị bệnh tật tấn công. Còn theo y học Trung Quốc, rau sam lại được đặt cho những mỹ danh là “rau trường thọ” hay “rau ngũ hành” vì có hám lượng protein, chết béo, chất xơ thô, kali, magie, sắt, mangan, đồng, canxi… dồi dào. Thậm chí lượng axxit béo omega-3 trong rau sam còn cao hơn dầu cá.
Chiếc Thìa Vàng