Nhà thuốc ở đâu dài mấy ngàn cây số?
Thứ hai, 20/10/2014 18:28
Trong hội thảo quốc tế về y khoa sinh học tổ chức hằng năm ở Wiesbaden, CHLB Đức, ít ai ngờ là chuyên gia bệnh tim mạch đồng lòng khuyến khích dùng cá biển như món ăn phòng bệnh.
Lời khuyên hoàn toàn hợp lý vì bệnh tim mạch, mặc cho ngành y đang tự
hào về nhiều bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật chẩn đoán cũng như phương
tiện điều trị, vẫn trước sau chiếm hàng đầu về tỷ lệ tử vong. Càng
nghịch lý hơn nữa khi các căn bệnh nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ
tim từ đầu thiên niên kỷ mới không còn là bệnh của người cao tuổi.
Trong
thập niên gần đây con số tử vong được ghi nhận đáng kể ở người thậm chí
còn rất trẻ, bề ngoài coi còn rất khỏe. Đáng nói hơn nữa là tỷ lệ bệnh
không chỉ tăng ở phụ nữ, tỷ lệ tử vong khi vào phòng cấp cứu ở giới nữ
thậm chí cao gấp đôi số đàn ông phải đối đầu với định mệnh!
Lời khuyên từ buổi hội thảo Paracelsus, tên của y sư nổi tiếng nhờ 2
quan điểm “chất nào đưa vào cơ thể cũng là thuốc, thuốc tốt hay thuốc
độc chính là ở liều lượng” và “không có liệu pháp nào phù hợp với cơ thể
con người cho bằng tuân thủ quy luật của thiên nhiên và vận dụng hoạt
chất của thiên nhiên”, càng hợp lý hơn nữa từ khi thầy thuốc hiểu rõ hơn
về công năng đa dạng của hợp chất omega, với 3 loại điển hình là omega
3, 6 và 9 có nhiều trong cá biển. Hàng trăm công trình nghiên cứu về
omega cho thấy tác động của chất này:
- Điều chỉnh biến dưỡng chất béo bằng cách tăng chất mỡ loại hữu ích,
thay vì chỉ rượt đuổi theo chất mỡ xấu để chữa cháy cầm canh.
- Giữ máu có độ loãng lý tưởng, thay vì quá đậm đặc do hậu quả của stress trong cuộc sống.
- Bảo vệ cấu trúc của thành mạch máu trước tác động công kích không
ngừng của chất ô xy hóa trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, rượu
bia, hóa chất gia dụng, dược phẩm lạm dụng…
- Cải thiện hiệu quả của hệ miễn dịch để qua đó phát hiện bệnh nguyên và
xử lý rốt ráo, thay vì để tế bào ung thư âm thầm tập trung lực lượng.
Nếu tưởng muốn đủ omega phải xơi cả ký cá biển thì sai. Chuyên gia ngành
dinh dưỡng đã quả quyết là chỉ cần mỗi tuần không hơn 3 lần, mỗi lần
không hơn 50g cá biển, đã thừa sức để cầm chân xơ vữa mạch máu, đòn bẩy
của bệnh tim mạch. Nếu ngày nào cũng có cá biển trên bàn ăn có thể giảm
nguy cơ thiếu máu cơ tim đến 40%, một tỷ lệ phòng bệnh khó đạt ngay cả
khi dùng thuốc đặc hiệu.
Nếu nghĩ thuốc tốt phải đắt tiền, nếu tưởng omega chắc chỉ có trong cá
cao giá như cá hồi, cá thu, thì tuy đúng nhưng chưa chính xác. Omega
không thiếu trong nhiều loại cá biến thông thường như cá mòi, cá nục, cá
cơm… Cá nước ngọt thông thường có rất ít omega nhưng thiên nhiên ưu đãi
cho xứ mình đến độ chất này vừa có nhiều, vừa có tỷ lệ hài hòa giữa 3
loại 3,6 và 9 để phù hợp cho sức khỏe, trong cá basa. Bờ biển xứ mình,
sông ngòi nước ta chẳng khác nào kho thuốc nằm chờ.
Nước Việt Nam ta hình cong chữ S với bờ biển dài hơn 2.000 cây số. Người
Việt ta nếu để bệnh tim mạch chiếm thế thượng phong chẳng qua vì chưa
nắm bắt thông tin về nguồn dược liệu bất tận trong lòng đại dương.
Có
vốn vẫn chưa đủ để sinh lợi, khéo hơn nhiều là khi cá biển được chế biến
thành nhiều món ăn đơn giản, ngon miệng, bắt mắt để thực khách càng ăn
càng thấm thía lời khuyên của Hippocrates “hãy biến món ăn thành thuốc,
hãy dùng món ăn như dùng thuốc”. Có khó lắm không để chiếc thìa trên dàn
bếp quý như bằng vàng?
BS Lương Lễ Hoàng
(Trích từ loạt bài Y thuật trong món ăn Việt Nam dành riêng cho chương trình Chiếc thìa vàng 2014)