Những “siêu thực phẩm” của tương lai

Thứ hai, 19/03/2018 18:14
0
0
Khi một loại thực vật được xác định là “siêu thực phẩm”, tất nhiên người ta sẽ tìm mọi cách để đưa nó vào sản xuất hàng loạt để cung cấp cho thị trường.

Lời dẫn: “Siêu thực phẩm” (tiếng Anh: superfood) là những thực phẩm có nguồn gốc thực vật với hàm lượng chất dinh dưỡng rất lớn trong một khẩu phần rất nhỏ. Do đó, những loại siêu thực phẩm này cũng mang lại cực kỳ nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

Một số loại siêu thực phẩm được sử dụng rộng rãi hiện nay gồm cỏ lúa mì (hay cỏ Mạch), trái bơ, hạt kỷ tử, quả việt quất, bông cải xanh, khoai lang, cải kale, dừa và nước dừa, hạt lanh, sữa tươi nguyên kem và cá hồi.


Kỳ 1:

Xương rồng – từ hoang dại đến siêu thực phẩm của tương lai


Khi một loại thực vật được xác định là “siêu thực phẩm”, tất nhiên người ta sẽ tìm mọi cách để đưa nó vào sản xuất hàng loạt để cung cấp cho thị trường. Ngay cả hạt kỷ tử, xưa nay vốn mọc hoang khắp các vùng ôn đới thì nay cũng được đem vào vườn, trồng theo vụ và thu hoạch hàng loạt. Bây giờ, thay vì phải uống bổ sung các loại vitamin tổng hợp từ chất vô cơ, con người chỉ cần uống trà táo đỏ và hạt kỷ tử mỗi ngày để duy trì sức khoẻ. Không chỉ tốt, các loại thực phẩm siêu dinh dưỡng đương nhiên là ngon hơn những viên vitamin tổng hợp, và tất nhiên cũng dễ hấp thu hơn.

Thế nhưng, với những biến đổi khí hậu và hiện tượng nhà kính xảy ra trong khoảng vài thập niên gần đây, các nhà khoa học thực phẩm dự đoán rằng chẳng mấy chốc nữa, các loại “siêu thực phẩm” cao cấp kể trên sẽ bị một loại “siêu siêu thực phẩm” mới soán ngôi. Có thể tin được hay không - đó chính là xương rồng!

“Vàng xanh”, “cây của tương lai”, “cây chịu hạn của toàn thế giới” – đây chỉ là một vài thuật ngữ được sử dụng để mô tả loài xương rồng có tai (khác với xương rồng phát triển thân trụ). Mặc dù chỉ là một loài cây hết sức khiêm tốn, chỉ mọc hoang dại nhưng chúng có thể cứu đói cho cả thế giới – một khi những biến đổi khí hậu trở nên không kiểm soát được (theo nhận định của United Nations Food và Tổ chức Nông nghiệp thế giới).


Xương rồng lê gai - loài xương rồng có hoa, kết trái, hình dáng trái từa tựa như quả lê.


Xương rồng tai thỏ - ít gai, lá múp máp, được trồng nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam.

Loại xương rồng có tai này được tán dương lên tận mây xanh như thế hoàn toàn có lý do – và đều là những lý do hết sức vĩ mô.

Thứ nhất: đây là loại xương rồng cực kỳ dễ sống. Chỉ cần một mẩu thân, lá, tai, hay thậm chí phần thân gai của xương rồng chạm đất, nó sẽ từ từ mọc rễ và tái tạo nên một thế hệ xương rồng mới - đơn giản, lặng lẽ nhưng quyết liệt lan đầy trên mặt đất. Không chỉ vậy, xương rồng còn có thể sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, trên hoang mạc khô cằn, trên các vùng lãnh nguyên băng giá, nơi mà hiếm có hoặc không một loài cây cỏ nào có thể sinh tồn.

Thứ nhì, loài xương rồng có tai này rất ít nhu cầu tưới tắm. Chỉ cần khu vực sinh sống của chúng có lượng mưa định kỳ tối thiểu thì quả thật xương rồng chẳng cần đến sự tồn tại của con người. Nòi giống xương rồng vốn đã có đặc tính kỳ lạ, chúng trữ nước trong cơ thể, trong thân, trong bẹ lá “tai” của chúng. Đến nỗi, theo các số liệu thống kê cho thấy, 95% khối lượng của xương rồng có tai là nước. Xương rồng – cũng như các loại thực vật chịu hạn khác - còn có một cơ chế quang hợp đặc biệt gọi là CAM (crassulacean acid metabolism) giúp đóng kín các khí khổng vào ban ngày để không bị mất nước, chỉ mở ra vào ban đêm để hấp thu CO2. Chính vì thế, loài xương rồng có tai này có thể ung dung phát triển trong môi trường khô hạn.

Với những biến đổi khí hậu đang diễn ra trên diện rộng, đất nông nghiệp đang dần bị hoang hoá/ sa mạc hóa ngày càng nhiều, các giống cây lương thực bình thường lẫn những loại siêu thực phẩm khác đều khó có thể phát triển nổi. Các nhà khoa học thực phẩm nhanh nhạy đã tiên đoán rằng, những lá xương rồng múp máp đầy gai này sẽ là nguồn thực phẩm cứu đói cho cả người và gia súc trong một tương lai không xa.

Giá trị dinh dưỡng của siêu thực phẩm xương rồng

Một cup (1 cup = 240ml) nước ép xương rồng có chứa 61 calo, ít hơn 1 gram protein, ít hơn 1 gram chất béo và hơn 14 gram carbohydrate. Đồng thời, trong một cup thịt xương rồng cũng có đến 5,4 gam chất xơ và là loại thực phẩm lành mạnh cho sức khoẻ.


Nước ép quả xương rồng.

Không những thế, mỗi một cup xương rồng có chứa 20,9 miligram vitamin C - loại vitamin thiết yếu cho cơ thể. Vitamin C giúp sản xuất collagen, chất đạm giúp giữ cho da, dây chằng, sụn và mạch máu khỏe mạnh. Vitamin C cũng rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương và giữ xương chắc khỏe.

Do chứa hàm lượng vitamin C, xương rồng cũng được xem là thực phẩm chống oxy hoá hữu hiệu. Cây xương rồng còn chứa nhiều chất flavonoid với 8 loại khác nhau. Nó cũng giúp cải thiện tình trạng chống oxy hóa tổng thể ở người lớn khỏe mạnh, bồi dưỡng cho nhan sắc lẫn hình thể.

Xương rồng đã là thực phẩm quen thuộc trong nhiều nền văn hoá

Xương rồng có thể là nguồn thực phẩm mới trong văn hoá thành thị nhưng thật sự, chúng đã được sử dụng trên khắp trái đất từ rất lâu.

Lâu đời và được biết đến nhiều nhất là xương rồng gai lê tại Mexico (thậm chí loài xương rồng này còn xuất hiện trên cả quốc kỳ của quốc gia này). Những tai xương rồng dày dặn múp míp thường được người Mexico sử dụng để chế biến thành đủ các món ăn phổ biến, từ trộn salad, làm nhân bán taco, xào như rau cải cho đến làm nước ép quả xương rồng và có cả mứt xương rồng nữa. Quả xương rồng gai lê thoạt nhìn giống trái thanh long ruột đỏ, có hương vị tươi mát và nhiều nước như dưa hấu – do đó chúng có thể được dùng để ăn tươi.

Từ Mexico bản địa, những con thuyền của người Tây Ban Nha đã mang xương rồng này về châu Âu – và loài xương rồng tai thỏ lẫn xương rồng gai lê bắt đầu tràn lan ra khắp lục địa già này, từ Hà Lan ngập trong nước biển đến các lãnh nguyên của Nga đều có bóng dáng của chúng. Người châu Âu vốn khá cổ hủ, thoạt tiên không cho rằng cây xương rồng gai góc kỳ quặc có thể tính là một loại thực phẩm. Tuy nhiên, quả của xương rồng gai lê lại có thể pha chế thành một thức uống vừa ngon vừa bổ dưỡng, có thể chinh phục được cả những người lớn tuổi khó tính nhất lẫn những cô cậu bé hay đòi hỏi nhất. Từ đó, rất nhiều quốc gia ở miền Nam châu Âu đã bắt đầu cho trồng và thu hoạch xương rồng để dùng trong công nghiệp thực phẩm.

Trong khi đó, các quốc gia nằm trong vùng khô hạn ở châu Phi như Ethiopia hoặc Madagasca lại dùng xương rồng như một nguồn lương thực chính yếu cho cả người và gia súc. Tất tần tật những loại xương rồng ăn được đều được chế biến thành thực phẩm, thậm chí còn áp dụng trong cả lĩnh vực y tế nữa. Họ chỉ làm mộ cách đơn giản là cắt đôi tai xương rồng và áp lên mặt vết thương, dịch xương rồng có khả năng kháng khuẩn và hình thành một lớp màng bảo vệ tự nhiên cho vùng da bị thương tổn.

Còn ở Việt Nam, người dân ở một số nơi ở miền Trung cũng đã sử dụng và chế biến xương rồng như một loại thực phẩm có thể thay thế rau. Đặc biệt ở tỉnh Quảng Nam, xương rồng tai thỏ được trồng và sử dụng rộng rãi hơn các tỉnh thành khác. Từ loại nguyên liệu hoang dại, đầy gai góc tưởng như “bỏ đi” này, người dân đã chế biến thành đủ các món lạ mắt, lạ miệng và bổ dưỡng, từ làm nộm, nấu canh, xào cho đến các món chè xương rồng ngọt mát, giải nhiệt cho những ngày hè oi ả.

Nhiều đầu bếp Chiếc Thìa Vàng cũng sử dụng loại nguyên liệu dân dã này trong các món ăn dự thi của mình:


Món Lươn cuộn lá lốt xốt trái xương rồng của đầu bếp Hoàng Anh Tuấn Vũ - đội Công ty TNHH Tâm Tâm - tại vòng sơ kết khu vực TP.HCM năm 2016.


Món Nem sen bồ câu túi vàng - Cuộn gỏi xương rồng tôm sú Tam Giang của đầu bếp Phan Thị Hạnh Nhân - đội Khách sạn Century Huế - tại vòng bán kết phía Bắc năm 2016.


Một món ăn khác trong thực đơn của đội Khách sạn Century Huế tại vòng bán kết phía Bắc năm 2016: Món Phi lê cá mú nấu xương rồng ăn kèm cơm sen.


Món Salad xương rồng - Cồi sò điệp Nhật kèm bong bóng cá và càng cua chiên xốt hạt bí đỏ của đầu bếp Đinh Duy Bình - đội Khách sạn Crowne Plaza Đà Nẵng - tại vòng bán kết phía Bắc năm 2016.

Không chỉ là một siêu thực phẩm với nguồn dưỡng chất vô giá, xương rồng còn được xem như là nguồn thực phẩm mới của cả trái đất trong tương lai không xa vì khả năng sinh tồn tuyệt vời của nó.

Chiếc Thìa Vàng

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG